Sức khỏe

Biến chứng viêm phổi do sởi, chuyên gia chia sẻ cách chăm sóc trẻ bị sởi

Thời gian gần đây, số trẻ mắc sởi ngày càng gia tăng, đặc biệt ở trẻ nhỏ gây ra những biến chứng nặng nề. Vậy khi trẻ bị sởi, cha mẹ cần chăm sóc trẻ thế nào?

Theo VTC News, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin, mới đây, bé T. (7 tuổi, Hà Nội) bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi, phải nhập viện điều trị. Mẹ bệnh nhi T. cho biết, cách đây 6 ngày cháu bị sốt liên tục, 39 - 40 độ C. Cháu hắt hơi, sổ mũi, ho húng hắng, mệt mỏi, mắt tèm nhèm nhiều dử.

Một ngày sau, cơ thể cháu T. xuất hiện ban hồng, nhẵn theo thứ tự: Vùng sau tai, lan dần lên hai bên má, cổ, gáy, xuống ngực, bụng, lưng và các chi.

Hiện tại, bé T đã cắt sốt, các ban sởi bay dần lần lượt như khi mọc và để lại vết thâm trên da xen kẽ vùng da lành.

Biểu hiện của bệnh sởi

Khoảng 10 - 12 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh, trẻ chưa có kháng thể chống bệnh sởi bắt đầu có các triệu chứng lâm sàng. Thời kỳ nung bệnh của bệnh sởi khoảng từ 7 - 10 ngày. Bệnh khởi phát sốt đột ngột trên 38 độ, mắt ướt, nhiều ghèn làm cho mắt bị kèm nhèm, viêm đường hô hấp trên (chảy mũi nước, ho) và có thể bị rối loạn tiêu hoá (tiêu chảy). Đặc biệt, khi bệnh toàn phát, sốt rất cao có khi thân nhiệt lên tới 39 – 40 độ, thể trạng li bì, mệt mỏi nhiều. Khoảng 2 - 3 ngày sau, đốm Koplik nổi lên ở mặt trong má, đây là một dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi. Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai rồi lan ra mặt, mắt, cổ, thân mình và tứ chi trong vòng từ 1 - 2 ngày. Khi hết sốt, ban sởi bắt đầu mất dần (sởi bay) và sau khi sởi bay có để lại các nốt thâm trên da. Các ban sởi mất dần theo tuần tự, tức là nơi nào xuất hiện trước thì ban bay trước. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Cảnh giác với biến chứng do sởi

Biến chứng hay gặp nhất là gây viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi từ mức độ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời, nhất là khi trẻ dưới 1 tuổi bị sởi. Biến chứng nguy hiểm nhất do sởi là viêm não - màng não. Lúc này, bệnh khởi phát đột ngột, sốt cao, co giật, thậm chí gây liệt, rối loạn cơ vòng (đại, tiểu tiện không tự chủ) do tổn thương tủy sống.

Ngoài ra, bệnh sởi cũng có thể gây biến chứng viêm tai, viêm xoang, viêm răng lợi (nguy hiểm nhất là gây nên bệnh cam tẩu mã), viêm loét giác mạc mắt.

Chuyên gia chỉ cách chăm sóc trẻ bị sởi

Trẻ bị sởi cũng cần vệ sinh thân thể hàng ngày, tránh tắm nước lạnh.

Ths. BS Nguyễn Văn Tùng,  khoa Nhi – bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc họ Paramyxoviridae gây ra.

Theo bác sĩ Tùng, bệnh sởi là bệnh có thể điều trị ở nhà theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Nhà có trẻ bị sởi cần phải cách ly với trẻ lành bệnh. Bố mẹ cho trẻ uống hạ sốt khi bé sốt trên 38,5 độ C. Người chăm sóc nên đeo khẩu trang và rửa tay với nước sạch.

Trẻ bị sởi cũng cần vệ sinh thân thể hàng ngày, tránh tắm nước lạnh. Nhỏ nước muối sinh lý vào mắt. Nếu trẻ còn bú mẹ cần cho trẻ bú mẹ thường xuyên và kết hợp ăn uống bổ sung đủ chất. Nên cho bé ăn các thức ăn nấu mềm.

Bác sĩ Tùng nhấn mạnh tuyệt đối không quá kiêng khem như quan niệm cũ kiêng tắm, kiêng gió, kiêng trong chế độ ăn. Bác sĩ Tùng cho biết dù trẻ bệnh hay người lớn vẫn phải đảm bảo ăn đủ chất, vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.

Trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục không hạ sốt, khó thở, thở nhanh, mệt mỏi, li bì, phát ban toàn thân mà vẫn sốt thì bố mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế nhanh để được điều trị vì có thể có biến chứng viêm phổi.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với sởi, chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biến chứng do sởi.

Để phòng bệnh sởi, theo bác sĩ Tùng cách tốt nhất đó là tiêm phòng vắc xin sởi. Với những trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên cần được tiêm chủng đầy đủ mũi 1 từ 9 tháng, mũi 2 từ 18 tháng.

Phong Linh (tổng hợp)