Sự kiện

Bé gái 14 tuổi bị tắc ruột sau khi ăn hồng ngâm

Sau khi ăn khoảng 1kg hồng, bé L. (14 tuổi), trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đã bị tắc ruột phải mổ cấp cứu.

Ngày 8/10, thông tin từ bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, ê kíp bác sĩ khoa ngoại vừa tiến hành phẫu thuật thành công cho bé gái Nguyễn Thị L. (14 tuổi), trú xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ bị tắc ruột sau khi ăn quả hồng.

Ê kíp bác sỹ đang tiến hành phẫu thuật cho bé L.

Trước đó, vào ngày 5/10, trong lúc ở nhà, bé gái Nguyễn Thị L. đã ăn hết khoảng 1kg hồng ngâm. Sau khi ăn, bé L. xuất hiện dấu hiệu đau bụng, kèm theo nôn mửa nên đã được gia đình đưa vào bệnh viện thăm khám. Qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột và chỉ định phải tiến hành phẩu thuật giải phóng chỗ tắc.

Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy khối bã thức ăn cách hồi manh tràng khoảng 20cm, sau đó tiến hành hút dịch trong lòng ruột khâu phục hồi ống tiêu hóa, rửa ổ bụng đặt dẫn lưu.

Bác sĩ Phạm Hồng Cường, Trưởng khoa Ngoại, phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ cho biết, tắc ruột do khối bã thức ăn như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị L. rất thường gặp ở người già và trẻ nhỏ. Các khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng ngâm, ổi hay chất bã xơ như măng. Đặc biệt, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ acid dạ dày cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Ngoài ra, thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân gây tắc ruột do bã thức ăn.

Quả hồng (ảnh internet).

Bác sỹ Cường khuyến cáo, để phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, người dân cần lưu ý thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ, nên uống đủ nước.

Hiện, sức khỏe của bé Nguyễn Thị L. đã dần ổn định, đang được tiếp tục được chăm sóc, theo dõi.