Sức khỏe

Bé 9 tháng suýt mất mạng vì bị sặc loại hạt quen thuộc

Bé 9 tháng tuổi đã ăn hạt hướng dương và bị sặc nhưng gia đình chủ quan, sau một ngày em bé khó thở, khò khè, sốt gia đình vội đưa đến bệnh viện.

Theo Vietnamnet, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận điều trị trường hợp bé gái 9 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, khó thở, khò khè, sốt. Trước vào viện 1 ngày, trẻ có ăn hạt hướng dương và chơi đùa cùng chị. Quá trình chơi đùa, trẻ bị sặc tuy nhiên gia đình chủ quan và không đưa đi bệnh viện. Sau 1 ngày, trẻ xuất hiện khó thở, khò khè, rút lõm lồng ngực.

Trẻ được nội soi phế quản ống mềm cấp cứu dưới gây mê. Qua nội soi, bác sĩ ghi nhận 1 hạt hướng dương còn nguyên vỏ, mắc kẹt ở khí quản, đây chính là nguyên nhân gây suy hô hấp cho trẻ. Sử dụng các dụng cụ chuyên dùng, các bác sĩ đã gắp hạt hướng dương ra ngoài. Sau thủ thuật, trẻ tiếp tục được theo dõi, điều trị và xuất viện sau 3 ngày.

Theo các bác sĩ dị vật đường thở là những vật lạ bị mắc lại trên đường hô hấp từ thanh quản đến phế quản. Đây là một cấp cứu nội khoa khá thường gặp, có thể gây bít tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp, tử vong.

Dị vật hạt hướng dương được gắp thành công qua nội soi. Ảnh: Vietnamnet.

Trước đó cũng có bé gái 6 tuổi ở Củ Chi được các bác sĩ kịp thời phẫu thuật gắp đồng xu trong thực quản.

Thông tin trên Người Lao Động, người nhà bệnh nhi cho biết trong khi chơi đùa, bé ngậm đồng xu trong miệng, mải chơi một lúc thì bất ngờ nuốt luôn. Sau khi nuốt đồng xu, bé bắt đầu khó thở, đau tức vùng cổ ngực. Bé được người nhà nhanh chóng đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ngay khi bệnh viện tiếp nhận, bé được chỉ định chụp X-quang ngực - bụng thẳng để xác định vị trí của dị vật. Kết quả cho thấy dị vật nằm ở 1/3 trên thực quản có hình giống đồng xu.

Bệnh nhi được tiến hành nội soi cấp cứu gắp đồng xu ra ngoài. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, ăn uống tốt.

Các triệu chứng có dị vật đường thở gồm

– Hội chứng xâm nhập: Sau khi bị sặc, đột ngột xuất hiện ho sặc sụa, khó thở dữ dội, tím tái, thậm chí suy hô hấp.

– Một số trường hợp sau khi bị sặc thì không có triệu chứng hoặc bệnh nhân không nhớ.

Sau một thời gian xuất hiện các biến chứng như viêm phổi, giãn phế quản, áp xe phổi với các triệu chứng ho khạc đờm, ho ra máu, sốt, khó thở.

Đồng thời, các bác sĩ cũng đưa ra cách phòng tránh dị vật đường thở:

– Đối với trẻ em, không cho trẻ chơi, ăn hoặc ngậm các đồ vật tròn, nhẵn như thạch, đầu bút bi, viên bi, hạt…

– Trong khi ăn, không chơi đùa, cười.

– Đối với những người già, phản xạ nuốt, ho khạc kém, cần chú ý khi cho ăn, tránh sặc, tránh đồ ăn cứng, ăn từ từ, tăng dần.

– Sau khi bị hóc, sặc cần sơ cứu tại chỗ và đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Trúc Chi (t/h)