Góc nhìn luật gia

Bé 7 tuổi bị chó cắn tử vong: Chủ nuôi chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định hiện nay, nếu để chó nuôi thả rông cắn người gây thiệt hại, tùy theo mức độ nghiêm trọng thì chủ sở hữu chó nuôi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thông tin cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó khoảng chục con lao vào cắn xé dẫn đến tử vong đã khiến dư luận bàng hoàng, xót xa.

Theo đó, chiều ngày 3/4, sau khi tan học, nhóm học sinh trường tiểu học thị trấn Lương Bằng (huyện Kim Động, Hưng Yên) rủ nhau chơi đá bóng ở sân vận động cũ của huyện. Chơi xong, bé trai 7 tuổi về nhà trọ gần đó thì bị đàn chó khoảng chục con lao vào cắn xé. Hậu quả, bé trai bị ngưng tim, mất nhiều máu, đồng tử giãn. Sau khi được các bác sĩ ép tim, truyền máu, tim cháu bé đã đập trở lại. Tuy nhiên, không lâu sau cháu bé đã tử vong.

Liên quan đến vụ việc đau lòng này, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của chủ nuôi chó ra sao, hình thức xử lý như thế nào cho phù hợp?

Hiện trường vụ việc đau lòng.

Phân tích dưới góc độ tình huống pháp lý, luật gia Ánh Dương (Hà Nội) cho rằng, nếu để chó nuôi thả rông cắn người gây thiệt hại, tùy theo mức độ nghiêm trọng thì chủ sở hữu chó nuôi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo qui định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại.

Luật gia Ánh Dương phân tích: “Nếu người chủ sở hữu chó nuôi không mong muốn có thiệt hại xảy ra nhưng do cẩu thả trong việc quản lý, thả rông chó gây ra hậu quả chết người thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người.

Liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, trong trường hợp chó nuôi tấn công người gây tổn hại sức khỏe, tài sản của người khác thì chủ nuôi chó sẽ phải bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại.

Cụ thể, theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra nêu rõ: “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.