Đời sống

Bé 31 tháng tuổi tím tái sau tiêm loại kháng sinh rất phổ biến

Bệnh nhi được các bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh amoxicilin. Tuy nhiên, sau tiêm bé đột ngột tím tái, mệt lả.

Ngày 20/9, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, các bác sĩ của Bệnh viện vừa cấp cứu thành công bệnh nhi 31 tháng tuổi (trú tại Phú Thọ) bị sốc phản vệ do dùng thuốc.

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân nhi nhập viện điều trị nội trú từ ngày 15/9 với chẩn đoán, viêm tiểu phế quản cấp, viêm tai giữa hai bên. Bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh amoxicilin. Buổi chiều ngày 18/9, sau khi tiêm bé vẫn hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, ngay sau khi các điều dưỡng ra khỏi phòng để đi thực hiện y lệnh ở các buồng bệnh khác thì bệnh nhi có những diễn biến xấu. Bé đột ngột tím tái, mệt lả. Thấy vậy, bố mẹ bé vừa ôm con chạy ra khỏi phòng vừa hoảng hốt gọi cấp cứu.

Nhân viên y tế gần đó ngay lập tức nghĩ đến tình trạng phản vệ nặng nên đã ôm bé chạy thẳng đến Khoa hồi sức tích cực cấp cứu.

Tại đây, bệnh nhi tiếp tục có những diễn biến rất xấu, mạch nhanh, nhỏ khó bắt, SPO2 tụt, huyết áp không đo được, toàn thân tím tái và rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Ngay lập tức các bác sĩ trực đã kích hoạt báo động đỏ toàn viện, sử dụng thuốc cấp cứu sốc phản vệ mà chủ lực vẫn là Adrenalin, các thuốc vận mạch khác. Đồng thời, đặt nội khí quản, bóp bóng và sau đó cho bé thở máy, chuẩn bị sẵn các kịch bản cấp cứu ngừng tuần hoàn, lọc máu cấp cứu... Ngoài ra, các bác sĩ của BV đã thiết lập hệ thống hội chẩn online với các bác sĩ Hồi sức tích cực của BV Nhi TƯ để chuẩn bị cho những tình huống xấu và nặng nề hơn.

Nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ, sau hơn gần 20 giờ chiến đấu không mệt mỏi, hiện tại bé đã cai máy, tự thở, đã tiếp xúc tốt và có thể tự ăn, uống. BV cho rằng, đây là một ca sốc phản vệ thuộc loại đặc biệt nguy kịch đã được cấp cứu kịp thời và đúng phác đồ.

Theo các bác sĩ, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Các bác sĩ sĩ cảnh báo những người có tiền sử dị ứng, phản vệ với các dị nguyên như thuốc, thức ăn... hãy cẩn trọng hơn trong dùng thuốc. Tốt nhất là uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự mua, tự sử dụng thuốc. Sau khi sử dụng thuốc, nếu có biểu hiện bất thường cần nhanh chóng đến cơ sở y tế và mang theo loại thuốc vừa sử dụng để thuận tiện cho công tác chẩn đoán, điều trị.

Nhân viên y tế ôm bé chạy đến Khoa Hồi sức cấp cứu (ảnh cắt từ camera).

Chia sẻ xoay quanh vấn đề sốc phản vệ, BS. Phạm Đăng Hải, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời.

Các triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ.

Các đường đưa thuốc vào cơ thể: Tĩnh mạch, tiêm bắp, dưới da, trong da, uống, xông, bôi ngoài da, nhỏ mắt, đặt âm đạo…đều có thể gây sốc phản vệ. Tuy nhiên, đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất.

BS Đăng Hải cũng nhấn mạnh, các loại thuốc, nhất là các thuốc kháng sinh là nguyên nhân chính gây sốc phản vệ. Vì vậy, sốc phản vệ là một cấp cứu cần được xử trí nhanh, kịp thời vì dễ dẫn đến tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.

Theo BS Hải, có rất nhiều nguyên nhân gây ra sốc phản vệ trong đó thuốc là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đến là thức ăn, nọc côn trùng.

Đối với thuốc dễ gây phản vệ bao gồm:

Kháng sinh: Penicillin, streptomycin, ampicillin, vancomycin, amoxycillin, chloramphenicol, cephalosporin, tetracycline, cefotaxime, sulfamethoxazol + Trimethoprim, neomycin, kanamycin, erythromycin, lincomycin, polymycin B, gentamycin.

Các thuốc chống viêm không steroid: salicylat, colchicin, ibuprofen, indomethacin.

Vitamin: vitamin C tiêm tĩnh mạch là nguyên nhân gây sốc phản vệ hay gặp ở nước ta, tiếp sau là vitamin B1, vitamin B12 dạng tiêm.

Các loại dịch truyền: glucose, nutrisol, alvesin, bestamin, tryphosan.

Thuốc gây tê: procain, novocain, lidocain, thiopental.

Thuốc cản quang có iôt: visotrat.

Các hormon: insulin, ACTH, vasopressin.

Các loại vacxin, huyết thanh: vaccin phòng dại, phòng uốn ván, huyết thanh kháng bạch cầu, uốn ván.

Các thuốc có phân tử lượng thấp: dextran, gamma globulin, dịch chiết phủ tạng.

Các enzym: trypsin, chymotrypsin.

Các thuốc khác: tiemonium, chlorpromazine hydrochloride, paracetamol, paracetamol-codein.

Ngoài các loại thuốc trên dễ gây sốc phản vệ ra, BS Hải cũng chỉ ra các nguyên nhân khác. Đối với thức ăn, có nhiều loại thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật, gây sốc phản vệ như: cá thu, cá ngừ, xôi gấc, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, nhộng, dứa, khoai tây, xoài, lạc, đậu nành, chất phụ gia …

Và một nguyên nhân khác nữa cũng đã xảy ra đó là do nọc côn trùng. Cụ thể sốc phản vệ xảy ra do ong đốt, rắn, nhện, bọ cạp cắn.

Trúc Chi (t/h theo Phụ nữ Việt Nam, Infonet)