Đời sống

Bé 20 tháng tuổi suy hô hấp vì mảnh xương còn sót trong nước hầm cháo

Hai mảnh xương heo được lấy ra ở vị trí gần phổi của cháu bé 20 tháng tuổi. Phụ huynh cho biết trước đó dùng nước hầm xương nấu cháo cho trẻ nhưng bị sót mảnh xương.

Ngày 15/10 vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM đã tiếp nhận cấp cứu trường hợp bệnh nhi 20 tháng tuổi trong tình trạng bứt rứt, khò khè, tím tái, miệng nhiều đờm nhớt.

Khai thác bệnh sử cho thấy, trẻ bị ho, khò khè, thở mệt khoảng 9 ngày, điều trị tại phòng khám gần nhà hai ngày không bớt, gia đình đưa đến bệnh viện địa phương. Tại đây bác sĩ chẩn đoán bé bị hen phế quản nặng, cho thở oxy, phun khí dung thuốc giãn phế quản, kháng sinh nhưng không cải thiện nên chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Tp.HCM.

Thời điểm nhập viện trẻ biểu hiện khò khè, khó thở, rút lõm ngực, thở gật gù, nhiều đờm nhớt, bứt rứt, tím tái. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bé không đáp ứng khi truyền thuốc và phun khí dung thuốc giãn phế quản qua máy thở, cũng như khi sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi.

Dị vật sau khi được nội soi gắp ra.

Kết quả CT scan phổi cho thấy có hình ảnh dị vật kích thước 0,5x1cm ở ngay chỗ chia đôi khí quản. Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn chuyên khoa hô hấp, tai mũi họng, tiến hành nội soi đường thở sau đó gắp ra 1 mảnh xương heo hình tam giác kích thước 0,5x1cm và 1 mảnh kích thước 0,2×0,3cm. Ghi nhận có rỉ ít máu niêm mạc phế quản. Bệnh nhi được tiếp tục điều trị tại Khoa Hồi sức ngoại để theo dõi. Trường hợp này nếu không xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ thủng phế quản, tràn khí trung thất, màng phổi.

Phụ huynh cho biết trước đó đã dùng nước hầm xương nấu cháo thịt cho trẻ nhưng vô tình còn sót mảnh xương.

Từ sự việc trên bác sĩ Tiến khuyến cáo, phụ huynh khi chế biến thức ăn cho trẻ cần chú ý lấy hết xương ra, tốt nhất là lóc hết xương, cho trẻ ăn phần thịt để tránh hóc xương đáng tiếc. Nếu bất cẩn và không xử lý kịp thời, có thể gây nguy hiểm tính mạng trẻ nhỏ.

Minh Hoa (t/h)