Kinh tế vĩ mô

"Bẫy thu nhập trung bình" - ranh giới để trở thành cường quốc kinh tế

Nhiều dân tộc đã tồn tại và phát triển, nhưng không thể duy trì hoặc chìm đắm trong tiêu cực. Theo chuyên gia, đó là do chưa vượt qua được "bẫy thu nhập trung bình".

Theo TS. Nguyễn Thị Từ Huy, Viện Hợp tác Nghiên cứu Quốc tế, ĐH Thái Bình Dương: “Chúng ta đang sống trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt, giữa những cạnh tranh đó, kinh tế nổi lên như một loại sức mạnh, phương diện mang tính quyết định”.

TS. Nguyễn Thị Từ Huy, Viện Hợp tác Nghiên cứu Quốc tế

Khi nghe đến các nhóm như G7, G20 là diễn đàn tập hợp những nền kinh tế lớn trên thế giới. Như vậy, có thể thấy, trong thời đại hiện nay, một quốc gia muốn mạnh ở mọi phương diện, trước tiên phải có một nền kinh tế mạnh.

Một quốc gia mạnh cần đáp ứng đủ tiêu chí

Rất có thể, không ít người tự đặt ra câu hỏi, kiểu như: Vì sao thế giới lại bị thống trị bởi một số quốc gia lớn? Vậy đâu là đặc điểm chung của những quốc gia có sự “trưởng thành”? 

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) cho rằng, chúng ta cần soi chiếu vào một vài điều cơ bản.

Đầu tiên, đó là sự thống nhất lãnh thổ và ý thức về lãnh thổ (quốc gia dân tộc). Bên cạnh đó, cần có sự tổ chức sản xuất với quy mô lớn theo hướng công nghiệp hoá để mang lại phúc lợi lớn. 

Thêm nữa, xã hội thì luôn có tính đa dạng, phong phú của mỗi cá nhân trong đó, có thể hiểu rằng mỗi con người với bản sắc riêng (giới, sắc tộc, tôn giáo…) đều cần được tôn trọng, thừa nhận, từ đó nhận được sự đối xử một cách công bằng và văn minh. 

PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS)

Từ đó, xã hội sẽ được duy trì tổ chức ổn định, hài hòa, người dân sống trong quốc gia hòa bình, phi bạo lực với phúc lợi văn hoá cao.

Đồng thời, quốc gia dân tộc cần ý thức được vị trí của mình trong lòng nhân loại, có sự khẳng định bản sắc và gây ảnh hưởng đến cộng đồng.

Theo ông, mỗi con người đều được bộc lộ thông qua sự ảnh hưởng về văn hoá như K-pop, J-pop hay quyền lực mềm từ Mỹ, Trung Quốc…

Để làm được những điều trên, thì vai trò của nhà nước là vô cùng quan trọng, cần được xác định rõ ràng về vị trí, giới hạn, mọi hoạt động của luật pháp phải được hoạt động minh bạch.

Mặt khác, nếu coi đó là tiêu chí, việc duy trì được tính khả thi trong một tổ chức xã hội có quy mô lớn và ổn định cũng là một vấn đề lớn, nếu không có sẽ dẫn tới đổ vỡ. 

Thực tế, có rất nhiều dân tộc đã tồn tại, nhưng không thể duy trì, dẫn tới sự biến mất trong 3.000 năm qua. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều dân tộc chìm đắm trong chiến tranh, cảnh nghèo đói…

Nếu trên phương diện kinh tế học, điều đó gọi là không vượt qua được “bẫy thu nhập trung bình”, nghĩa là không thể mở rộng sản xuất, phúc lợi, văn hoá…

Làm thế nào để vượt qua được “bẫy thu nhập"?

Xét ở cấp độ xã hội, khi mỗi cá nhân hay cộng đồng, quốc gia ý thức được vai trò của mình trong xã hội, đồng thời hiểu sự hài hoà của xã hội, từ đó chấp nhận sự hài hòa của xã hội.

TS. Thành lấy ví dụ, nếu một xã hội không thừa nhận của cải vật chất được tạo ra bởi một nhóm nào đó, có thể là những người lao động hay thừa nhận về sự tồn tại của những người tư bản, chủ đất. 

Từ đó dẫn tới việc loại bỏ thành phần được cho là thừa ra khỏi quá trình sản xuất, sẽ phá vỡ đi sự cân bằng của xã hội, hoạt động sản xuất. Nếu thực sự hiểu được cấu trúc của xã hội và nguồn gốc của của cải thì con người sẽ có sự thừa nhận vai trò của mọi tầng lớp, không phá hủy lẫn nhau.

Để xây dựng một quốc gia có nền kinh tế mạnh, cần là tổng hoà xét ở 3 cấp độ: xã hội, cá nhân và nhà nước

Ở cấp độ cá nhân, cần có sự tôn trọng cơ chế thị trường (cung, cầu, giá cả, cạnh tranh…), vai trò của sự đóng góp nguồn lực và phần thưởng mình nhận được. Đặc biệt, vai trò của sự sáng tạo (công nghệ, lợi nhuận…) là động lực quan trọng nhất để vận hành mọi thứ trong thị trường.

“Một nền kinh tế thị trường đầy đủ và đúng đắn, phải có sự sáng tạo, bởi nếu không sáng tạo sẽ không có sự phát triển”, ông nhấn mạnh.

Ở cấp độ nhà nước, những nhà vận hành cần hiểu được vị trí mình ở đâu trong nền kinh tế thị trường đó, để không những không cản trở sự đi lên của xã hội, mà còn là chất xúc tác, thúc đẩy cho mọi thứ diễn ra thuận lợi hơn.

Từ đó, cấp độ này cần tôn trọng cơ chế thị trường, quyền sở hữu, vai trò của các thành phần thị trường, vai trò của bản thân nhà nước trong xã hội, đồng thời đưa ra các chính sách kinh tế  thích hợp, hiểu rõ tác động của chúng.

Một khi tất cả các cấp độ đã nắm được vấn đề cốt lõi, mọi vấn đề liên quan đến lợi ích kinh tế, xã hội sẽ không có chủ quan duy ý chí, cũng sẽ không còn áp đặt và tình cảnh bạo lực sẽ không xảy ra.

Buổi trao đổi nằm trong chuỗi Cà phê Học thuật của Đại học Thái Bình Dương tổ chức. Đây là tập thứ ba diễn ra vào ngày 18/12, với chủ đề: “Sự hiểu biết thực sự về Kinh tế học – hay là sự vận hành của nền kinh tế và mục đích của nó – giúp gì cho sự trưởng thành của một dân tộc?”.