Quan điểm

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Cuộc sống vốn dĩ đơn giản, nó phức tạp bởi chúng ta tự đặt ra các chuẩn mực.

Ai bảo chỉ có người nhiều tiền mới có thể giúp đỡ những người kém may mắn? “Bầu” và “bí” đều khó như nhau nhưng ai bảo “bầu” không thể giúp “bí”?

Lũ lụt, sạt lở đất đã gieo đau thương cho khúc ruột miền Trung. Nhiều người dân nơi đây rơi nước mắt khi mọi thứ bị cuốn theo dòng nước, bị vùi lấp dưới trận lũ bùn đá. Những tai ương dồn dập ập đến khiến họ chỉ biết ngước mắt nhìn trời hỏi tại sao?.

Trước nỗi đau của đồng bào, người dân trên mọi miền đất nước hướng về khúc ruột miền Trung. Những chuyến xe cứu trợ, những con số nhảy liên tục trong các tài khoản ủng hộ đã mang lại niềm vui cho người dân miền Trung. Thật đáng tự hào khi tinh thần đáng quý của người Việt “lá lành đùm lá rách” vẫn tuôn chảy và chỉ cần thời điểm là bùng lên mãnh liệt.

Những ngày qua, bức ảnh người đàn ông bán vé số mua xôi trong chương trình Xôi lan tỏa khiến nhiều người xúc động. Đâu phải chỉ có người giàu hay khá giả mới có tấm lòng muốn chia sẻ với đồng bào miền Trung. Những người dân nghèo trên khắp cả nước đều mong muốn được góp sức giúp đỡ đồng bào kém may mắn. Một gói xôi 15 ngàn đồng là vừa đủ cho sự góp sức của người dân lao động. Vì vậy mà chương trình Xôi lan toả nhận được sự ủng hộ của nhiều người.

Tại sao phải cố gắng tốt đẹp hơn người khác? Tại sao phải cố gắng đóng góp giống người khác? Tại sao phải dừng lại khi không thể làm được như người khác? Đừng đặt giới hạn cho mình. Những gì làm từ trái tim đều có thể lay động trái tim. Một gói xôi 15 ngàn đồng cũng là món quà vô cùng đáng quý dành cho người dân miền Trung. Hình ảnh người đàn ông nghèo bán vé số lấy những đồng tiền lẻ để mua xôi ủng hộ đã lay động trái tim của mọi người dân Việt Nam. "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".

Nếu ở Việt Nam, cảm thông và sẻ chia khiến triệu người lay động thì tại Zimbabwe, những người phụ nữ lại đang nổi giận. Họ khốn khổ vì tiền trở thành thứ bôi trơn để giữ tính mạng cho mình cũng như đứa trẻ trong bụng.

Trong cơn đau chuyển dạ hành hạ và bị trung tâm y tế Harare quay lưng, Aurage Katume lo sợ mình giống như nhiều phụ nữ Zimbabwe khác, có thể mất đi đứa con trong bụng. Cô phải vật lộn để đến một phòng khám khác ở thủ đô. Các nữ hộ sinh tại đây cũng chẳng mấy nhiệt tình giúp cô. "Bạn mang gì cho chúng tôi?" một trong số họ hỏi - một yêu cầu hối lộ tế nhị - khi mẹ của Katume cầu xin họ thương xót.

“Mẹ tôi nhanh chóng nhận ra rằng họ đang vòi tiền. Bà đã đưa 5 USD cho người có vẻ là quản lý ở đó. Không có biên lai và đột nhiên tôi được đưa lên giường trong phòng sinh”, cô chia sẻ.

Đã có thời, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Zimbabwe được xem đáng ghen tỵ. Tuy nhiên, hệ thống ngày càng xuống cấp do cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu thuốc và nhân viên được trả lương thấp thường xuyên đình công. Vì vậy, không ít phụ nữ mang thai ở đất nước này đang bị buộc phải hối lộ để được giúp đỡ khi sinh con. Nhiều đứa trẻ đã ra đi, nhiều bà mẹ đã qua đời vì không có tiền bôi trơn.

Sau khi mẹ tròn con vuông, Aurage Katume bước vào cuộc chiến pháp lý với bệnh viện nơi cô sinh con. Cô muốn lấy lại công bằng cho bản thân và những người phụ nữ khác. Cô cùng muốn được góp phần cải thiện tình trạng y tế tồi tệ ở đây.

Cuộc sống giống như khi ta đi xe đạp, muốn chạy đến đích, ta phải khéo léo trong việc giữ cân bằng.

LÊ ANH