Thế giới

Bầu cử Tổng thống Pháp: Ông Macron dẫn trước nhưng đối thủ vẫn còn cơ hội

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Macron lợi thế hơn bà Le Pen, nhưng số cử tri chưa đưa ra quyết định có thể là ẩn số đem đến chiến thắng cho bà Le Pen.

Các công dân Pháp đang đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 24/2. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt.

Vòng bỏ phiếu thứ hai - và cũng là cuối cùng - chứng kiến sự cạnh tranh giữa ​​đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và ứng cử viên lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen. Cuộc đọ sức giữa ông Macron và bà Le Pen lần này là cuộc tái đấu của trận chung kết bầu cử năm 2017, khi đó đương kim tổng thống giành chiến thắng với tỉ lệ ủng hộ 66%. Hiện tại, theo CNBC ghi nhận một số nhà bình luận chính trị tin rằng bà Le Pen đã cải thiện cơ hội của mình trong khoảng thời gian này.

Ông Antonio Barroso, Phó Giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn Teneo, cho biết trong một ghi chú vào ngày 21/4: "Ông Macron có khả năng tái đắc cử vào Chủ nhật, tuy nhiên khoảng 13-15% cử tri vẫn chưa đưa ra quyết định. Do đó, vẫn có khả năng xảy ra những bất ngờ". Ông Barroso nhận định nếu một lượng đáng kể cử tri đã ủng hộ ứng cử viên cánh tả Jean-Luc Melenchon ở vòng đầu tiên đột nhiên chuyển sang ủng hộ cực hữu thay vì ở nhà hoặc bỏ phiếu trống, điều đó có khả năng sẽ đem tới chiến thắng cho bà Le Pen.

Một cuộc thăm dò dư luận của Pháp hôm 21/4 dự báo ông Macron sẽ giành chiến thắng trong vòng thứ hai với 55% số phiếu bầu, so với tỉ lệ tương ứng 45% bên phía bà Le Pen. Tuy nhiên, đó là khoảng cách biệt thấp hơn so với kết quả cuộc bầu cử Pháp năm 2017. Vào thời điểm đó, ông Macron đã vượt qua bà Le Pen với cách biệt về số phiếu bầu gần gấp đôi, 66,1% so với 33,9%.

Các nhà phân tích của ngân hàng Berenberg nhận định "Cách tiếp cận hẹp "Nước Pháp trên hết" của  bà Le Pen và mong muốn áp đặt các quy tắc riêng của Pháp lên trên các quy tắc EU có thể gây ra xung đột liên tục với EU, làm tổn hại đến môi trường kinh doanh và khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại".

Đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và ứng cử viên lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen tranh luận trên truyền hình vào ngày 20/4/2022. Ảnh: NBC News.

Giáo sư Chính trị Pháp Jim Shields của Đại học Warwick chia sẻ với hãng tin CNBC trong tuần này rằng ông Macron có một nhiệm vụ khó khăn là bảo vệ 5 năm tại vị nhưng cũng phải thể hiện một tầm nhìn mới cho tương lai. Ông đề cập đến việc lạm phát gia tăng tại Pháp đã trở thành một trụ cột trong chiến dịch tranh cử của bà Le Pen.

Ông Macron đang bám sát quan điểm của mình về việc diễn ra sự thay đổi lớn hỗ trợ cho các doanh nghiệp, bao gồm cả việc tăng tuổi nghỉ hưu để thúc đẩy nhiều công việc hơn và tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi đó, bà Le Pen muốn người Pháp nghỉ hưu sớm hơn mức tối thiểu 62 tuổi hiện nay, đồng thời hứa sẽ cắt giảm mạnh thuế thu nhập và bán hàng để hỗ trợ các hộ gia đình.

Nếu ông Macron tái đắc cử, ông sẽ trở thành Tổng thống đầu tiên của Pháp giữ hai nhiệm kì liên tiếp trong vòng hai thập kỷ. Lợi tức trái phiếu Chính phủ Pháp kỳ hạn 10 năm đã tăng lên trong thời gian chạy đua cho cuộc bầu cử, vượt ngưỡng 1% vào đầu tháng 4 trong bối cảnh những quan ngại về lạm phát và tác động từ xung đột ở Ukraine ngày càng gia tăng.

Phạm Hà Thanh (theo CNBC, Bloomberg)