Thế giới

Bầu cử Tổng thống Pháp: Hội đồng Hiến pháp xác nhận kết quả bầu cử

Hội đồng Hiến pháp Pháp đã xác nhận kết quả bầu cử ngày 24/4 và tuyên bố ông Emmanuel Macron tái cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 5 năm tới.

Ngày 27/4, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Pháp, ông Laurent Fabius tuyên bố, ông Emmanuel Macron là Tổng thống Pháp vì đã giành được 58,55% phiếu bầu trong vòng bỏ phiếu thứ hai diễn ra vào ngày 24/4.

Đối thủ của ông Macron là lãnh đạo phe cực hữu bà Marine Le Pen giành được 41,4% số phiếu.

Trong số 48.752.339 cử tri đăng ký đi bầu, có 35.096.478 cử tri đi bỏ phiếu. Như vậy, tỉ lệ cử tri không đi bầu là 28,01%, con số cao thứ hai trong lịch sử nền Cộng hoà thứ V của nước Pháp.

Đối với cáo buộc từ các phe đối lập về việc có gian lận trong bầu cử, ông Laurent Fabius cho biết, Hội đồng đã xem xét các điểm bất thường tại 48 điểm bỏ phiếu và quyết định huỷ 20.594 phiếu không hợp lệ, tương đương 0,06% tổng số phiếu của các cử tri đã đi bầu. "Nhìn chung các quy tắc của quá trình bầu cử đều được tuân thủ", báo Le Figaro dẫn lời ông Fabius.

Cũng theo ông Fabius, tân Tổng thống Pháp sẽ bắt đầu công việc từ ngày 14/5. Buổi lễ nhậm chức dự kiến diễn ra vào ngày 13/5 tại Điện Élysée.

Hội đồng Hiến pháp là cơ quan có thẩm quyền hiến pháp cao nhất tại Pháp và việc Hội đồng này chính thức công nhận chiến thắng của ông Macron sẽ mở đường cho đương kim Tổng thống Pháp tiến hành các cải tổ nội các mạnh mẽ.

Phát biểu trước đám đông ủng hộ gần tháp Eiffel, Tổng thống Macron nói, chiến thắng của ông mang đến "một nước Pháp độc lập hơn và một châu Âu mạnh mẽ hơn".

Sắp tới, phe cực hữu của bà Le Pen sẽ tập trung cho kỳ bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra vào tháng 6.

Kết quả của cuộc thăm dò dư luận do Elabe thực hiện ngày 27/4 cho biết, 6/10 cử tri Pháp được hỏi không muốn Đảng Tiến bước (LREM) của ông Macron giành đa số 289 ghế trong hạ viện gồm 577 ghế.

Tỉ lệ này tăng lên đến 69% trong số nhóm cử tri thuộc tầng lớp lao động và gần 90% ở nhóm cử tri cực hữu và cực tả.

Nếu đảng của ông Macron giành chiến thắng, ông sẽ chỉ định một chính phủ mới và có thể thông qua các dự luật. Ngược lại, ông Macron sẽ phải chỉ định thủ tướng từ một đảng khác.

Vào năm 2017, khi đắc cử lần đầu, Đảng LREM do ông Macron dẫn dắt đã chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ, VOV)