Thế giới

Bầu cử Serbia: Đảng cầm quyền của Tổng thống Vucic trên đà thắng lớn

Là chính trị gia nổi tiếng nhất Serbia và đồng minh một thời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Vucic tìm cách đưa quốc gia Balkan này trở thành thành viên EU.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội sớm hôm 17/12 sau khi các cơ quan thăm dò dự đoán Đảng Tiến bộ Serbia (SNS) của ông đang trên đà giành được một chiến thắng dễ dàng, từ đó giúp nhà lãnh đạo lâu năm của quốc gia vùng Balkan củng cố hàng thập kỷ cầm quyền.

Dựa trên kết quả kiểm phiếu mẫu tại các điểm bỏ phiếu, các hãng thăm dò ý kiến Ipsos và CeSID dự đoán Đảng SNS theo chủ nghĩa dân túy sẽ giành được 46,2% số phiếu bầu, trong khi liên minh trung tả Serbia Chống Bạo lực (SPN) của phe đối lập sẽ về nhì với 23,2% số phiếu bầu.

Đảng Xã hội Serbia (SPS) của Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Ivica Dacic được dự đoán sẽ đứng thứ ba với 6,7% số phiếu bầu.

Tổng cộng có 18 chính đảng và liên minh cạnh tranh để giành được sự ủng hộ của 6,5 triệu cử tri Serbia cho 250 ghế trong Quốc hội. Ngưỡng để vào Quốc hội là 3% số phiếu bầu.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy Đảng SNS cầm quyền của ông Vucic sẽ giành được ít nhất là 127 ghế, đủ để một mình đảng này tiếp tục nắm quyền, nhưng dự kiến SNS sẽ tìm kiếm các đối tác liên minh để củng cố vị thế của mình trong Quốc hội Serbia khóa mới.

“Đây là một chiến thắng tuyệt đối và nó làm tôi hạnh phúc”, ông Vucic cho biết sau khi kết quả thăm dò hậu bầu cử được công bố. Ông cam kết sẽ đoàn kết đất nước và ủng hộ lộ trình hướng tới Liên minh châu Âu (EU) của Serbia trong khi từ chối công nhận độc lập của Kosovo.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Belgrade, trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 17/12/2023. Ảnh: GZero Media

Là chính trị gia nổi tiếng nhất Serbia và là đồng minh một thời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Vucic đã tìm cách đưa đất nước này trở thành thành viên EU trong khi cân bằng mối quan hệ truyền thống với Nga.

Belgrade là ứng cử viên EU tiềm năng kể từ năm 2014, tức đã gần 10 năm nay. Nhưng tham vọng gia nhập EU của Serbia đã bị cản trở bởi căng thẳng dai dẳng với Kosovo, khu vực đã đơn phương ly khai vào năm 2008. Việc hàn gắn mối quan hệ giữa hai bên là điều kiện tiên quyết mà EU đặt ra để Belgrade có thể gia nhập khối 27 thành viên này. 

Ngoài ra, các quan chức EU cũng gây áp lực lên Serbia để nước này điều chỉnh chính sách đối ngoại sao cho phù hợp với khối, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Nhà lãnh đạo Serbia đã lên án việc Nga tấn công Ukraine nhưng cho đến này chưa có động thái nào chống lại Điện Kremlin.

Cuộc bầu cử Quốc hội Serbia, lần thứ 5 kể từ năm 2012, được kích hoạt sau sau 2 vụ xả súng hàng loạt hồi tháng 5, vốn đã gây ra các cuộc biểu tình rộng rãi ở quốc gia 6,8 triệu dân này. Hàng chục ngàn người biểu tình tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính phủ trên khắp Serbia.

Người Serbia bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở thị trấn Raca, miền Trung đất nước, ngày 17/12/2023. Ảnh: Al Jazeera

Cuộc bầu cử không bao gồm bầu Tổng thống Serbia, nhưng các cơ quan quản lý được hỗ trợ bởi các phương tiện truyền thông ủng hộ chính phủ đã tiến hành chiến dịch này như một cuộc trưng cầu dân ý về ông Vucic.

Mặc dù không chính thức có tên trong lá phiếu, nhưng Tổng thống Serbia đương nhiệm đã vận động không ngừng nghỉ cho Đảng SNS cầm quyền. Ông xuất hiện trên lá phiếu với khẩu hiệu “Aleksandar Vucic – Serbia không được dừng lại!”

Đáng chú ý, cuộc bầu cử lập pháp lần này còn trùng với các cuộc bầu cử địa phương ở hầu hết các thành phố trực thuộc trung ương, thủ đô Belgrade và tỉnh Vojvodina ở phía Bắc.

Các hãng thăm dò Ipsos và CeSID cũng cho biết Đảng SNS cầm quyền giành được nhiều phiếu bầu nhất ở Belgrade với 38,6% số phiếu bầu cho Hội đồng Thành phố và Thị trưởng, trong khi Đảng SPN đối lập đứng thứ hai với 35% số phiếu bầu.

Với dân số 1,4 triệu người, Belgrade đại diện cho khoảng 1/4 số cử tri của Serbia và Thị trưởng Belgrade được coi là một trong những quan chức có ảnh hưởng nhất ở Serbia.

Minh Đức (Theo Reuters, Bloomberg, AP)