Thế giới

Bầu cử Pháp: Cựu Tổng thống Hollande, Sarkozy ủng hộ ông Macron

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là đến vòng bầu cử nước rút để tìm ra ai là nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) trong 5 năm tới.

Cựu Tổng thống cánh tả Francois Hollande kêu gọi cử tri ủng hộ ông Emmanuel Macron, Tổng thống Pháp đương nhiệm, trong vòng bầu cử nước rút sẽ diễn ra vào ngày 24/4 tới, với đối thủ là nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen.

"Là một cựu Tổng thống, tôi biết rằng trong một cuộc bầu cử có tầm quan trọng như vậy, điểm mấu chốt là nước Pháp, sự gắn kết, tương lai của đất nước ở châu Âu và nền độc lập nước nhà. Đây là lý do tại sao tôi kêu gọi người Pháp bỏ phiếu cho ông Emmanuel Macron", ông Hollande nói với đài truyền hình TF1.

"Việc bỏ phiếu cho ông Macron sẽ đảm bảo rằng bà Le Pen không giành chiến thắng", ông bổ sung.

Cựu Tổng thống Francois Hollande (trái) và Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: The Times

Ông Macron và bà Le Pen dẫn đầu trong vòng bầu cử đầu tiên với 12 ứng cử viên. Ông Macron nhận được hơn 27% số phiếu và bà Le Pen đứng thứ hai với khoảng 23% số phiếu.

Các ứng cử viên khác, sau khi thừa nhận thất bại trong vòng 1, đã nhanh chóng lựa chọn bên cho mình trong số 2 người đứng đầu (ông Macron và bà Le Pen).

Ở vị trí thứ 4, với 7,1% số phiếu bầu, ứng cử viên Eric Zemmour đã kêu gọi những người ủng hộ mình bỏ phiếu cho bà Le Pen.

Các ứng cử viên từ các đảng trung tả và trung hữu truyền thống, Đảng Xã hội và Đảng Cộng hòa, đã tuyên bố ủng hộ ông Macron.

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là đến vòng bầu cử nước rút để tìm ra ai là nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) trong 5 năm tới. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, ông Macron – một chính trị gia theo đường lối trung dung – đang dẫn trước nhà lãnh đạo cực hữu Le Pen một chút.

Năm 2016, ông Hollande đã quyết định không tái tranh cử sau khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của mình.

Mối quan hệ giữa cựu Tổng thống Hollande và ông Macron – người từng giữ chức Bộ trưởng Kinh tế trong nội các của ông, không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Ông Macron đã rời bỏ Chính phủ do Đảng Xã hội của ông Hollande cầm quyền để thành lập một đảng theo đường lối trung dung Đảng “Nền Cộng hoà tiến bước” (LREM) và tranh cử chức Tổng thống năm 2017.

Cựu Tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy cũng tuyên bố ủng hộ ông Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai vào ngày 24/4 tới.

"Tôi sẽ bỏ phiếu cho ông Emmanuel Macron vì tôi tin rằng ông ấy có đủ kinh nghiệm cần thiết để đối mặt với một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng... đề án kinh tế của ông ấy đặt giá trị công việc là ưu tiên hàng đầu và cam kết của ông ấy với châu Âu là cực kỳ rõ ràng", ông Sarkozy đăng trên trang Facebook của mình, chỉ ra rằng họ phải từ bỏ thói quen đảng phái.

(Từ trái sang) Đệ nhất phu nhân Brigitte Macron, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: The Telegraph

Truyền thông Pháp đã suy đoán rằng ông Macron sẽ cần sự ủng hộ của đa số trong cuộc bầu cử lập pháp vào giữa năm nay, nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Cũng có những suy đoán rằng ông Macron được ông Sarkozy hậu thuẫn nhờ trao đổi ảnh hưởng chính trị.

Ông Macron sau đó đã lên tiếng xác nhận rằng không có thỏa thuận chính trị nào giữa ông và cựu Tổng thống Sarkozy để đổi lấy sự ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống đang diễn ra.

Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn gần đây đã tuyên bố rằng ông không ủng hộ bà Le Pen. Ông cho biết hôm 11/4 rằng, khả năng bà Le Pen chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp là "một viễn cảnh đáng lo ngại đối với Liên minh châu Âu".

Minh Đức (Theo Daily Sabah)