Văn hoá

Bất ngờ với tạo hình Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn bản điện ảnh mới nhất

Tạo hình của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn trong Tân Ỷ thiên đồ long ký 2021 vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì bộ tóc và trang phục.

Hồi đầu tháng 11, đạo diễn Vương Tinh vừa công bố poster đầy đủ dàn diễn viên góp mặt trong bộ phim điện ảnh Tân Ỷ thiên đồ long ký 2021 do ông thực hiện năm 2020.

Hầu hết đều là những cái tên quen thuộc với khán giả từng yêu thích phim của TVB như Lâm Phong, Cổ Thiên Lạc, Chân Tử Đan, Văn Vịnh San... và poster cũng mang đậm màu sắc điện ảnh Hong Kong (Trung Quốc) một thời.

Poster Tân Ỷ thiên đồ long ký 2021.

Mới đây, tạo hình của nhân vật Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn (cha nuôi của Trương Vô Kỵ) cũng được công bố. Tạ Tốn vốn chỉ là một nhân vật phụ trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký của cố nhà văn Kim Dung. Dù vậy, nhân vật này nắm giữ vai trò quan trọng, mang tới cho người xem nhiều cảm xúc từ căm hận tới xót xa, thương cảm.

Tuy nhiên, tạo hình của Tạ Tốn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Theo bản gốc, nhân vật được mệnh danh là "sư tử vàng" bởi có mái tóc vàng óng, khuôn mặt hung tợn. Tạo hình của Tạ Tốn trong bản điện ảnh mới cũng có mái tóc vàng.

Thế nhưng, mái tóc của nhân vật bù xù và dựng ngược. Trang 163 nhận định, tạo hình này có phần giống Vua sư tử phiên bản người đóng nhiều hơn.

Cùng đó, phần trang phục lông lá cũng khiến nhiều người liên tưởng tới nhân vật Quái vật trong bộ phim Người đẹp và quái vật.

Tạo hình của Tạ Tốn trong Tân Ỷ thiên đồ long ký 2021 bị đánh giá như Vua sư tử phiên bản người đóng.

Trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký, Tạ Tốn có ngoại hiệu là Kim Mao Sư Vương, là người đứng thứ ba trong Tứ đại pháp vương của Minh giáo. Tuy chức vụ xếp sau Tả Hữu sứ giả nhưng trong di thư của cố Giáo chủ Dương Đỉnh Thiên thì ông được đề cử chức vụ Phó giáo chủ.

Ông là đệ tử của Hỗn Nguyên Phích Lịch Thủ Thành Côn nhưng sau đó bị sư phụ hãm hại cả gia đình nên đã học lén Thất Thương Quyền của phái Không Động rồi mạo danh Thành Côn đi giết hại thật nhiều nhân vật chính yếu trong võ lâm, với hy vọng Thành Côn sẽ ra mặt để minh oan cho mình. Tuy vậy, Thành Côn không ra mặt đã đành, dần dần trong giang hồ đều biết chính Tạ Tốn chứ không phải Thành Côn đã làm những điều đó, khiến Tạ Tốn trở thành một kẻ thù của hầu hết các bang phái. Tạ Tốn càng lúc càng say máu trả thù, lún sâu vào tội lỗi.

Trong lúc Thiên Ưng giáo, tổ chức hội Dương Đao lập uy để khoe thanh đao Đồ Long họ vừa chiếm đoạt được trên Vương Bàn sơn, thì Tạ Tốn thình lình xuất hiện. Giữa đông người, ông đoạt Đồ long đao và nảy ra ý định giết chết tất cả để bịt đầu mối. Ông sử dụng tuyệt kỹ Sư Tử Hống của mình để làm điên khùng hết thảy, chỉ trừ có hai người là Ân Tố Tố và Trương Thúy Sơn, họ an toàn do đã thắng Tạ Tốn trong một cuộc tỷ thí.

Ở gần cuối truyện, Tạ Tốn được Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược giải thoát khi bị nhốt trong một mật thất ở chùa Thiếu Lâm. Trong đám quần hùng, ông phát hiện ra kẻ thù xưa là Thành Côn, nay đã thành hoà thượng Viên Chân. Hai người đánh nhau một trận long trời lở đất, nửa chừng Thành Côn bị Tạ Tốn đâm mù mắt, trước mặt chỉ còn con đường chết. Song giữa phút giây đó, Tạ Tốn bỗng nhớ lại những tháng ngày chìm nổi của mình, thấy việc oán thù trên đời này thật là vô nghĩa, nếu giết Thành Côn cũng chẳng đủ để xoá hết những nỗi đau kia, thế là ông tha thứ cho Thành Côn. Nghĩ lại những việc ác của mình, lòng ông tràn đầy hối hận, tự phế võ công, xuôi tay chịu để người khác trả thù để chuộc tội với thiên hạ song Độ Ách đại sư, một thiền sư đắc đạo đã cảm hóa và thu nhận ông làm đồ đệ.

Từ đó, Tạ Tốn quy y cửa Phật, chấm dứt một quãng đời đầy những cơn cuồng nộ mà không có lối thoát.

Quốc Tiệp (t/h)