Sự kiện

Bất ngờ với nguyên nhân chủ yếu lây lan dịch tả heo châu Phi ở Đồng Nai

Cơ quan chức năng Đồng Nai cho biết, do chim trời ưa bay nhảy từ khu vực này sang khu vực khác, nên cũng là nguy cơ lây chéo dịch tả heo châu Phi.

Ngày 3/6, cơ quan thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay dịch tả heo châu Phi tại Đồng Nai đang diễn biến khá phức tạp. Mặc dù, việc phòng chống dịch của người chăn nuôi nhỏ lẻ cũng như các trang trại lớn đều được thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy trình, nhưng dịch vẫn lây lan. 

Qua tìm hiểu và nắm bắt kiểu lây nhiễm cho thấy, hiện nay đang nổi lên một nguyên nhân chủ yếu làm lây lan dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, đó là do chim trời.

Dù là phòng chống dịch rất tốt nhưng vẫn lây lan dịch mạnh.

Cụ thể, do luôn có thức ăn, nước uống và cây xanh nên các hộ chăn nuôi và các trang trại luôn là môi trường sống tốt cho chim. Vì vậy, ở các chuồng trại luôn có sự hiện diện của nhiều loại chim.

Với đặc tính thích bay, nhảy và nhu cầu tìm kiếm thức ăn, nước uống nên chim sẽ thường xuyên bay từ hộ / trang trại chăn nuôi này qua hộ / trang trại chăn nuôi khác.

Do vậy nếu hộ / trang trại chăn nuôi này có heo bệnh dịch tả lợn châu Phi thì khi đến ăn, uống chim sẽ bị virus dính vào chân, mỏ, và khi qua chuồng trại của các hộ / trang trại chăn nuôi khác để ăn, uống thì sẽ làm lây nhiễm virus vào nguồn thức ăn, nước uống và làm lây lan dịch tả lợn châu Phi cho đàn heo của hộ/ trang trại chăn nuôi heo đó.

Vì đó, cơ quan thú y tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người chăn nuôi, để tránh nguy cơ lây bệnh do chim, các hộ nên dùng lưới thưa quây thật kín các ô, dãy chuồng, để chim không thể bay vào các ô, dãy chuồng để ăn, uống. Lưới thưa cũng sẽ không làm tăng nhiệt độ chuồng, do đó không làm ảnh hưởng đến việc chăn nuôi.