Tiêu điểm thế giới

Bất ngờ số phận của TT Assad và quân đội Nga trong chiến lược mới của Mỹ ở Syria

Dù cho thời gian gần đây nhiều lần Washington tuyên bố không có ý định thay đổi chế độ của Syria nhưng trong lời kêu gọi mới đây, các nhà lập pháp Mỹ đã mong muốn xây dựng chiến lược mới cho đất nước Trung Đông mà ở đó Tổng thống Assad phải từ chức.

Theo Sputnik, các nhà lập pháp Mỹ đã yêu cầu chính quyền ông Trump xây dựng chiến lược mới cho đất nước Syria vốn ngập trong xung đột nhằm mục đích buộc Tổng thống Bashar Assad phải từ chức cũng như ép các lực lượng Nga và Iran rút khỏi nước này. Thông tin này được ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho biết trong một thông cáo báo chí.

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết lên án chính quyền ông Assad và lực lượng ủng hộ. “Hôm nay, Hạ viện đã thông qua nghị quyết 1165 lên án chính quyền Assad và lực lượng ủng hộ vì sự tiếp tay của họ cho các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Syria”, thông cáo có đoạn.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, ông Ed Royce đã lên tiếng cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Syria sẽ không kết thúc trừ khi Tổng thống Assad rời bỏ quyền lực đồng thời cả Nga lẫn Iran rút khỏi quốc gia Trung Đông này.

Tổng thống Syria Assad

“Nghị quyết này kêu gọi chính quyền ông Trump nhanh chóng hành động để phát triển chiến lược tiến tới quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria, buộc chính quyền Assad rời bỏ quyền lực và tất cả các lực lượng Iran và Nga phải rời khỏi đất nước”, ông Roy Royce tuyên bố.

Mỹ và các đồng minh nhiều lần tuyên bố không muốn ông Assad tại vị. Trong khi đó, Nga tuyên bố ủng hộ chính phủ hợp pháp của Tổng thống Assad và nhiều lần nhấn mạnh rằng chỉ người dân Syria mới quyết định số phận của nhà lãnh đạo này.

Đầu năm 2011, các cuộc biểu tình chống chính phủ lần lượt bùng phát và trở nên dữ dội tại Syria. Biểu tình biến thành bạo lực dẫn đến nội chiến, lại có thêm sự xuất hiện của các tổ chức khủng bố cùng sự can thiệp của ngoại bang khiến tình hình ngày càng phức tạp.

Cuộc xung đột tại Syria đã kéo dài sang năm thứ 7 với những diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Phe đối lập Syria và lực lượng trung thành với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad giờ đây không phải là các bên duy nhất tham chiến.

Nga đã trở thành đồng minh chính của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và là một trong những nhà tài trợ cho chính phủ Syria kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria theo đề nghị của ông al-Assad vào năm 2015. Các quan chức Nga cho biết, cuộc không kích đều nhằm mục tiêu vào các nhóm khủng bố, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ của lực lượng không quân Nga cũng như một số lực lượng khác, quân đội của Tổng thống Assad đang giành chiến thắng lớn tại nhiều khu vực và từ đó củng cố quyền lực cho ông Assad. Đến thời điểm hiện tại, kế hoạch thay đổi chế độ ở Syria có thể coi là đã thất bại thảm hại.

Trong khi đó, Mỹ dẫn đầu liên minh quốc tế chống khủng bố tấn công các cứ điểm của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria kể từ năm 2014. Mục đích trước nhất của Mỹ là loại bỏ tổ chức khủng bố IS và các nhóm khủng bố khác tại Syria. Ngoài ra, theo giới phân tích quân sự, Mỹ còn có những toan tính lợi ích khác, trong đó mong muốn gia tăng ảnh hưởng tại khu vực đồng thời tiếp tục khai phá nguồn tài nguyên của Syria để hưởng lợi về kinh tế, lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Assad để tạo ra một chính phủ mới thân Mỹ.

Xem thêm >> Đồng minh Mỹ "lũ lượt" sang Syria "làm hòa": Một chiến thắng "ngọt ngào" cho Tổng thống Assad?