Đa chiều

Bất ngờ ông Ca

Là ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc công an Thành phố Hải Phòng.

Ông Ca nổi tiếng từ vụ án Đoàn Văn Vươn, mà sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” ông đã hể hả tuyên bố, đấy là “trận đánh đẹp”, có thể viết thành sách để... dạy nghiệp vụ cho anh em.

Tôi nhớ hồi ấy, một sĩ quan quân đội đã nói với tôi trong cuộc cà phê, đại loại là sử dụng từng ấy quân, từng ấy vũ khí phương tiện... để tấn công một ngôi nhà trống trơ như thế mà gọi trận đánh đẹp thì nó... chưa đẹp lắm. 

Với “chiến công” và quyết tâm trấn áp tội phạm tới cùng ấy, ai cũng nghĩ ông Ca là người sạch, rất sạch.

Thế nên tôi, và nhiều người đã rất sốc khi nghe tin ông Ca bị công an Quảng Ninh bắt.

Và hôm kia thì càng sốc khi đọc cáo trạng về ông này.

Té ra, chỉ với một vụ tay Đước trốn thuế ấy, đã “chạy” cho ông Ca tới 35 tỷ đồng để nhờ ông chạy án. Và ông Ca đã... không làm gì cả, vẫn nhận đủ 35 tỷ đồng. Thậm chí khi Đước bị bắt vợ Đước tới “xin lại” số tiền ấy còn bị Ca đuổi về.

Ảnh minh họa

Cũng đọc cáo trạng thì mới thấy độ liều, độ thản nhiên, độ... san bằng tất cả của ông nguyên Giám đốc Công an này, ấy là chấp nhận cả xe ngân hàng, nhân viên ngân hàng vận chuyển tiền rút cả bao tải từ ngân hàng mang tới nhà mình. Người thường cũng biết, tiền từ ngân hàng nó theo seri, rất dễ bị lộ nếu bị tố cáo. Chưa kể, nhận hối lộ, càng rất ít người biết càng tốt, đây ít nhất có người đưa hối lộ, tài xế và xe của ngân hàng.

Thế tức là, ông ấy chả sợ gì cả. Coi việc ấy là đương nhiên. Chứng tỏ ông ấy... rất quen việc này, không hồi hộp, không cảm xúc (dù là cảm xúc tiêu cực), không lo lắng, không mảy may suy trước nghĩ sau. Bốn lần nhận tổng cộng 35 tỷ đồng, đọc cái hành trình nhận tiền của ông Ca ta thấy như kiểu ông nhận gói bánh, bó hoa nhân sinh nhật thế. Nó trơn tru, nó thản nhiên, nó hết sức công nhiên và hết sức như là... nó phải thế.

Ông Đỗ Hữu Ca

Thế nên dân ta có câu “nhìn vậy mà không phải vậy”. Ông Ca, “anh hùng” chống tội phạm, tự khen mình đánh giỏi tới mức có thể viết thành sách giáo khoa, giờ thành tội phạm, phạm tội tới mức nếu quy theo luật, có thể đối diện mức án tử hình.

Còn “tội phạm” của ông Ca một thời, người nông dân yêu đất yêu việc yêu lao động Đoàn Văn Vươn, sau khi chấp hành xong hình phạt tù, hiện đang là người làm ăn giỏi, là công dân tốt, sống thanh thản bằng chính lao động chân chính của mình. Món vịt biển Đoàn Văn Vươn giờ là thương hiệu. Chứ sao, thương hiệu của việc vượt qua lỗi lầm trở thành người tốt, người có ích... Nó khác hẳn ông thiếu tướng Ca, một tấm gương mờ.

Từ ông Ca, nhìn thêm một số tấm gương mờ nữa, như Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Đức Chung, Phạm Xuân Thăng, Chu Ngọc Anh vân vân, ta thấy rõ mặt sau của những người từng đảm nhiệm trách nhiệm “chăn dân”. Họ đã sống không lương thiện ngay khi họ phải đóng vai, phải thực thi, phải lấy sự lương thiện như một lẽ đương nhiên, như một tất yếu. Nét chung ở họ là nói không đi đôi với làm, hay chính xác như cha ông ta hay nói là “nói dối không ngượng mồm”.

Lại nhớ, VTV từng có bộ phim “Chạy án” khá đình đám. Tôi từng xem nhiều tập của bộ phim ấy, nhiều người từng ngạc nhiên về mức độ trắng trợn, về sự tinh vi, nguy hiểm tới liều lĩnh của các nhân vật. Nhưng té ra, so với cái hiện thực vừa diễn ra với những ông Bùi Trung Kiên, cựu cán bộ C03 nhận hối lộ 2,2 triệu đô la, ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội 42,8 tỷ đồng và ông Ca tới 35 tỷ thì thấy phim, dẫu đã tưởng tượng rất kinh rồi, vẫn chưa là gì khi soi vào hiện thực.

Tất nhiên, vẫn còn hàng vạn cán bộ chiến sĩ tốt và rất tốt đang ngày đêm bảo vệ đất nước và nhân dân. Ông Ca và những người trên chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, có điều, sâu to quá. Và cũng may, nói như một facebooker nổi tiếng, “Đành rằng, chính công an đã phá những vụ án này, có nghĩa là ngành không dung thứ những hành vi sai trái ấy”.

Trước khi bị còng tay, những ông Ca, ông Tuấn, ông Kiên cũng từng còng tay nhiều người, tất nhiên là những tội phạm...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.