Tiêu điểm thế giới

Bất ngờ ném bom Syria, Mỹ có đạt được toan tính sâu xa hay hứng đòn đáp trả?

Các nhà phân tích cho rằng đợt ném bom do Mỹ thực hiện không mang lại bất cứ điều gì ở Syria. Trong khi đó, nhóm dân quân ở Syria do Iran hậu thuẫn dọa trả thù.

Các nhà phân tích cho rằng đợt ném bom do Mỹ thực hiện không mang lại bất cứ điều gì ở Syria. Một trẻ em được cho là đã thiệt mạng và 3 dân thường bị thương trong các cuộc không kích của Mỹ gần biên giới Iraq-Syria hôm Chủ nhật, theo hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria. Một số thành viên được cho là thuộc lực lượng dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn cũng đã thiệt mạng hoặc bị thương.

"Ít nhất 5 chiến binh dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn đã thiệt mạng và một số người khác bị thương trong một cuộc tấn công của máy bay chiến đấu Mỹ", theo Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh.

Giám đốc nhóm giám sát chiến tranh sau đó cho biết 7 tay súng đã thiệt mạng. Ông cũng cho rằng cuộc tấn công sẽ không thực sự ảnh hưởng đến sự hiện diện của lực lượng dân quân Iraq trong khu vực.

Theo Lầu Năm Góc, các quả bom nhắm vào các cơ sở có liên quan tới lực lượng Iraq do Iran hậu thuẫn: Kataeb Hezbollah và Kataeb Sayyid al-Shuhada. "Các cơ sở này đang ... tham gia vào các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào nhân viên và cơ sở của Mỹ ở Iraq", phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết trong một tuyên bố.

Phát ngôn viên Kirby mô tả các cuộc không kích là để tự vệ. Theo luật, Tổng thống đã thực hiện hành động này để bảo vệ nhân viên Mỹ ở Iraq".

Tổng thống Mỹ Joe Biden 

Ông Kirby cho biết, vụ không kích nhắm vào các cơ sở gần biên giới Iraq-Syria được các nhóm dân quân sử dụng để tấn công vào quân đội Mỹ ở Iraq. Ông gọi đây là “hành động cần thiết, thích hợp và có chủ ý nhằm hạn chế nguy cơ leo thang” và gửi “thông điệp răn đe rõ ràng”.

Quyết định của Tổng thống Biden được đưa ra cũng được coi là một lời cảnh báo đối với Tehran trong quá trình đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Ông Lawrence J. Korb, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, nhận định: “Lần đầu tiên ông Biden sử dụng vũ lực là khoảng 1 tháng sau khi nhậm chức và hiện giờ, thời điểm chuẩn bị trải qua vòng đàm phán thứ bảy về thỏa thuận hạt nhân. Điều ông ý muốn nói là: “Chúng tôi đàm phán không có nghĩa là sẽ bỏ qua những vấn đề khác”.

Phản ứng trước hành động của Mỹ, nhóm dân quân Đơn vị Huy động Phổ biến (PMU) ở Syria do Iran hậu thuẫn ngày 28/6 đã dọa trả thù sau khi các cuộc không kích của Mỹ khiến một số tay súng thiệt mạng.

“Chúng tôi sẽ vẫn là lá chắn bảo vệ đất nước thân yêu và chúng tôi sẵn sàng... trả thù”, đại diện nhóm PMU cho biết.

Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhemi gọi các cuộc tấn công là "sự vi phạm trắng trợn và không thể chấp nhận được đối với chủ quyền của Iraq và an ninh quốc gia của Iraq."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cáo buộc Mỹ "gây rối an ninh trong khu vực", đồng thời cảnh báo rằng "một trong những nạn nhân của sự đổ vỡ này sẽ là Mỹ”.

Đây là cuộc không kích thứ hai ở Syria kể từ khi ông Biden nhậm chức. Một vụ đánh bom khác, vào tháng 2, được cho là đã làm thiệt mạng 20 thành viên dân quân Iraq.

Sau đợt tấn công đầu tiên do chính quyền ông Biden thực hiện, các thượng nghị sĩ Mỹ đã đưa ra nghị quyết bãi bỏ việc cho phép sử dụng vũ lực quân sự ở Trung Đông.

Thời gian qua, các lợi ích của Mỹ và binh sĩ Mỹ tại Iraq thường xuyên bị tấn công, chủ yếu là bằng rocket. Và phía Washington cáo buộc các nhánh vũ trang được Iran hậu thuẫn thực hiện các cuộc tấn công này.

Kể từ đầu năm 2021 đến nay, hơn 40 vụ tấn công đã nổ ra nhằm vào các lợi ích của Mỹ tại Iraq. Hiện có khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ đang tham gia liên minh quốc tế nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng tại Iraq.