An ninh - Hình sự

Bắt nghi phạm giết người sau đó lẻn vào bệnh viện trộm cắp tài sản

Sau khi ra tay sát hại một tài xế xe ôm ở Khánh Hòa, trên đường lẩn trốn ra Hà Tĩnh, đối tượng đã lẻn vào một bệnh viện rồi trộm cắp tài sản.

Ngày 19/7, Công an thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Xuân Nam (SN 1984, ở TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về tội Trộm cắp tài sản.

Hồ sơ vụ án cho thấy, trước đó, ngày 19/6/2020, Phạm Xuân Nam đi taxi từ môt khách sạn thuộc phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh đến bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh.

Đối tượng Phạm Xuân Nam tại cơ quan điều tra

Khi đến nơi, thấy khu vực Tiền sản 2, Khoa Sản không có người, Nam đã lẻn vào trong lấy trộm 1 túi xách của chị Nguyễn Thị T. (SN 1988, trú tại xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh), bên trong có 8 triệu đồng và nhiều giấy tờ tùy thân khác rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Sự việc sau đó được chị T. trình báo tới cơ quan công an, báo Gia đình & Xã hội đưa tin.

Sau khi nhận được tin báo, Công an thị xã Kỳ Anh phối hợp với Công an tỉnh Quảng Trị, Công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ Nam tại 1 khách sạn ở TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Cũng theo cơ quan công an, trước đó tại xã Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Nam đã ra tay sát hại một tài xế xe ôm để cướp tài sản rồi bỏ trốn. Trên đường chạy trốn đến thị xã Kỳ Anh thì hết tiền tiêu nên Nam đã lẻn vào Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh để trộm cắp tài sản.

Được biết, Phạm Xuân Nam từng có tiền án, tiền sự về mua bán chất ma túy và trộm cắp tài sản, theo báo Giao thông.

Hiện vụ việc đang được tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tội giết người được quy định tại Điều 123, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nêu rõ:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173, Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017) nêu rõ:

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật

Đăng Khoa (t/h)