Giáo dục

Bật mí chiến lược đăng ký nguyện vọng đại học - cao đẳng cho sĩ tử

Các thí sinh phải nắm rõ các mốc thời gian tuyển sinh tránh, sắp xếp thứ tự nguyện vọng phù hợp và “không bỏ hết trứng vào một giỏ” để có kết quả tốt nhất.

Khẳng định kỳ tuyển sinh năm 2024 vẫn giữ ổn định như những năm trước thí sinh cần đọc kỹ, nắm rõ quy chế để tránh những sai sót là lời khuyên của đại diện Bộ GD&ĐT tại ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 diễn ra sáng nay (17/3).

Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Năm nay hệ thống công nghệ thông tin tuyển sinh tiếp tục được cải thiện, các hoạt động liên quan đến đăng ký, xét tuyển đều thực hiện trực tuyến”. Chính vì vậy các thí sinh cần lưu ý các mốc thời gian được công bố, “vì sẽ không chờ một cá nhân nào để trở lại bước trước”, đại diện Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Khi thao tác trên hệ thống thí sinh phải thực hiện quy trình từ đầu đến cuối mới được ghi nhận và có hiệu lực, ngoài ra các em cũng sẽ có thời gian làm quen với thao tác trước khi vào khoảng thời đăng ký chính thức”, bà Nguyễn Thu Thuỷ tư vấn.

Cùng với đó, các em hãy tập trung ôn tập cho kỳ thi, vì sau đó sẽ có thời gian để thí sinh nghiên cứu, sắp xếp các nguyện vọng phù hợp, để có kết quả tốt nhất cần phải có chiến lược và “không bỏ trứng vào một giỏ”, không tập trung vào một trường, một ngành, không chỉ quan tâm đến trường “top”, ngành “hot”.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT thông tin đến thí sinh.

Ngoài ra, nếu thí sinh trúng tuyển sớm vẫn phải nhập nguyên vọng lên hệ thống mới được xác nhận và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đã trúng nguyện vọng nào sẽ không xét tuyển những nguyện vọng sau.

“Các em chỉ cần lựa chọn ngành, trường mong muốn không cần đăng ký phương thức xét tuyển, mọi thông tin hệ thống sẽ hỗ trợ chọn phương án xét tuyển tốt nhất cho thí sinh để tránh giảm thiểu sai sót”, bà Thuỷ chia sẻ.

Cuối cùng, đại diện Bộ GD&ĐT đưa ra lời khuyên học sinh cần tập trung cao độ vào kỳ thi tốt nghiệp THPT vì có kết quả tốt thì cánh cổng đại học vẫn rộng mở.

Cũng tại buổi tư vấn ông Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thông tin những điểm mới trong quy chế mà các thí sinh cần phải nằm lòng.

Theo đó, năm nay mỗi thí sinh sẽ được cấp mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và phải tự bảo mật mật khẩu của mình.

“Những nội dung liên quan đến thông tin cá nhân chưa đúng, chưa hiểu cần phải báo lại ngay nhà trường đang theo học để có cơ sở dữ liệu đúng nhất”, ông Phong cho biết.

Ông Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng.

Các em cần đọc kỹ quy chế thi, đặc biệt là những vật dụng được mang vào phòng thi, cụ thể thí sinh không được mang bất kỳ thiết bị điện tử nào vào phòng thi.

Một điểm mới năm nay, trong khi làm bài thi phải có trách nhiệm bảo vệ bài thi và làm theo hướng dẫn của giám thị. Khi có có vấn đề về sức khoẻ trong quá trình thi sẽ thêm cả cán bộ giám thị đi cùng các em đến khu vực kiểm tra sức khoẻ ở điểm thi.

“Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì cần tập trung quan tâm đến việc tuyển sinh vì đây là khoảng thời gian rất quan trọng. Cuối cùng là thí sinh phải chuẩn bị sức khoẻ chuẩn bị cho kỳ thi vì đây vẫn là kết quả chiếm lượng lớn trường xét tuyển”, ông Mỹ Phong bày tỏ.

Theo số liệu tổng kết của Bộ GD&ĐT, trong năm 2023, cả nước có hơn 1.022.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Trong tổng số hơn 663.000 chỉ tiêu đại học và cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, số thí sinh trúng tuyển đã nhập học có hơn 546.000 thí sinh, đạt trên 82 % chỉ tiêu và đạt trên 53 % trên tổng số thí sinh dự thi.

Lĩnh vực kinh doanh và quản lý vẫn đứng đầu về tỉ lệ tuyển sinh chiếm 23,57%. Đứng thứ 2 là ngành máy tính và công nghệ thông tin chiếm trên 11%, công nghệ kỹ thuật là 10%, nhân văn trên 8%...

Các lĩnh vực có tỉ lệ thấp nhất gồm: dịch vụ xã hội, thú y, toán và thống kê, khoa học tự nhiên, khoa học sự sống.