Bạn đọc viết

Bắt học sinh phơi nắng vì đi học sớm: Cô giáo mắc "bệnh vô cảm", học sinh... "dính cảm"!

Sự việc học sinh lớp 1 ở TP.Hải Phòng bị phê bình, bắt đứng đội nắng 40 độ C ngoài cổng trường vì đi học… sớm khiến dư luận phẫn nộ. Nhiều người lên tiếng, sự thờ ơ, vô cảm từ chính những người làm công tác giáo dục có khiến trẻ dễ bị “khiếm khuyết” tâm hồn…

Ngày 21/5, mạng xã hội lan truyền hình ảnh học sinh lớp 1, trường tiểu học Quang Trung, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) bị cô giáo phê bình và không được "sao đỏ" cho vào trường vì đến sớm 15 phút. Thậm chí, cô giáo còn gửi tin nhắn hình ảnh 7 em học sinh kèm nội dung "cô giáo phê bình các bạn đến sớm" trong nhóm chát Zalo dành cho các phụ huynh để nhắc nhở. 

Theo chia sẻ của phụ huynh học sinh này, do con không ăn bán trú, buổi trưa về nhà và đến học ca chiều vào 13h30. Để kịp giờ làm việc buổi chiều, phụ huynh đã cho con đến sớm 15 phút. Và buổi vào học sau đó, con và các bạn đến sớm bị cô bắt đứng lên trước bảng chụp ảnh để thông báo phê bình.

Sợ con bị "phê bình", ngày hôm sau phụ huynh vẫn cho con đến sớm nhưng dặn con ngồi ở gốc cây trong trường chờ đúng giờ mới lên. Nhưng sau khi đi một lát, quay lại vẫn thấy con đứng ở cổng trường. Con cho biết "sao đỏ" (học sinh làm nhiệm vụ nhắc nhở nề nếp) không cho vào trong sân trường vì chưa tới giờ học. Tiết trời nóng nắng, con bị mệt lại bị phê bình nên phụ huynh bức xúc.

Thông tin về vụ việc học sinh phải đứng ở cổng trường giữa trưa nắng vì đi học sớm (Ảnh chụp màn hình).

Trao đổi với báo chí, Hiệu trưởng trường tiểu học Quang Trung khẳng định, trường không đóng cổng ngăn học sinh vào học nên không biết có chuyện học sinh bị "sao đỏ" ngăn không được vào cổng?! Nhưng vị Hiệu trưởng thừa nhận đúng là có chuyện giáo viên đã phê bình học sinh đi học sớm. Vị Hiệu trưởng giải thích do cô giáo sợ các con đi sớm sẽ đi lang thang bên ngoài, không có người kiểm soát, có thể không an toàn nên đã phê bình các con. Hiệu trưởng nhà trường thông tin thêm, đã yêu cầu giáo viên báo cáo sự việc và đã nhắc nhở cô giáo, đồng thời mời phụ huynh học sinh đến trường để xin lỗi.

Tuy vậy, cho đến thời điểm này, trên mạng xã hội vẫn có nhiều cuộc tranh luận nảy lửa liên quan đến cách ứng xử với học sinh của cô giáo. Thay vì cứng nhắc phê bình, cô giáo chủ nhiệm cần trao đổi với phụ huynh để nắm được hoàn cảnh của học sinh. Các em học sinh mới học lớp 1 còn non nớt, rất dễ tổn thương tinh thần, cô giáo hành xử như vậy là không đúng với môi trường giáo dục.

Giữa trời nắng 38-40 độ, cô giáo “phạt” học sinh vì lỗi… đi học sớm bằng việc đứng ngoài cổng trưởng là điều không thể chấp nhận được. Thử hỏi, nếu hoán đổi vị trí, cô giáo là người phải đứng dưới cái nắng “cháy da cháy thịt” trong 15 phút, cô có thể chịu đựng được hay không, huống chi các em học sinh còn quá nhỏ, sức đề kháng kém. Nhìn học sinh của mình như vậy mà cô không động lòng, có lẽ nào cô đã mắc “bệnh vô cảm”? Ở môi trường giáo dục, cô giáo vẫn dậy học sinh bài học về sự đồng cảm, chia sẻ, luôn nghĩ đến người khác nhưng chính cô lại thờ ơ, nhẫn tâm nhìn học trò của mình đứng dưới trời nắng mà không mảy may lo lắng học sinh có bị cảm nắng hay sốc nhiệt hay không?

Học sinh đi học sớm bị cô chụp ảnh, phê bình

 

Nhiều người vẫn lên án phê phán “bệnh vô cảm” ở học sinh. Thực tế, chúng ta từng chứng kiến những hình ảnh vô cảm và thiếu đạo đức của giới trẻ như: Học sinh nữ sinh đánh nhau, cởi đồ  hay là học sinh đánh thầy cô giáo đến nỗi phải nhập viện. Điều đáng lên án, khi chứng kiến các vụ việc trên, hầu hết các bạn đều dửng dưng, bàng quan như không thấy gì. Thay vì can ngăn, giải thích đúng sai, thì họ lại cổ vũ, ủng hộ hết mình cho những hành động vô đạo đức và thiếu văn hóa đó.

Nhìn nhận về thực tế này, các chuyên gia xã hội học cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức của giới trẻ, nhưng tựu chung, cái gốc chính là cách sống của giới trẻ ngày nay và cách giáo dục nhân bản từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt.

Môi trường giáo dục là vô cùng quan trọng. Nhà trường luôn là “cái nôi” ươm mầm nhân cách, thầy cô- người luôn nhắc nhở học trò phải “thương người như thể thương thân”. Bài học đó liệu có phản tác dụng khi vẫn còn những thầy cô ứng xử bằng thứ lý trí sắt đá, tình cảm khô cằn của mình khiến những học trò “dính cảm” vì "bệnh vô cảm" của thầy cô?

N.G