Đời sống

Bắt được sinh vật có bộ hàm như quái vật ngoài hành tinh

Sở hữu hàm răng lởm chởm, nhọn hoắt, sinh vật này khiến nhiều người liên tưởng đến quái vật ngoài hành tinh trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.

Mới đây, các nhà khoa học đã tìm thấy một con cá mập rắn lục (Viper shark), loài cá ước chừng đã tồn tại trong hơn 11 triệu năm, ở Thái Bình Dương. Nó sở hữu hàm răng lởm chởm, nhọn hoắt, dài khoảng 60cm và sống ở độ sâu hơn 300m.

Những hình ảnh được công bố khiến nhiều người dùng Reddit ngạc nhiên, họ ví sinh vật này với quái vật Xenomorph trong loạt phim viễn tưởng Người ngoài hành tinh. Có người nhận thấy sự tương đồng của con vật với thiết kế tạo hình người ngoài hành tinh trong nhiều bộ phim Hollywood. Số khác lại mô tả con cá mập là tổng hợp của "cá, rắn và quái vật Xenomorph".

Chia sẻ với Earth Touch News, Tiến sĩ Dave Ebert, Giám đốc chương trình của Trung tâm Nghiên cứu Cá mập Thái Bình Dương cho biết, cá mập rắn lục là một trong những loài ông muốn được chiêm ngưỡng nhất. "Nó khiến tôi liên tưởng đến một con cá lồng đèn phải trải qua các thí nghiệm quỷ quái nào đó! Trông thật kỳ lạ!", ông nói.

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của cá mập rắn lục là những chiếc răng nhọn hoắt giống như răng nanh của loài rắn. Điều này cũng giải thích tại sao chúng được được đặt tên là “cá mập rắn lục” .

Cá mập rắn lục ngoạm mồi bằng bộ hàm có thể ngoác rộng chóng vánh. Chúng có thể dùng cách há rộng miệng để nuốt chửng toàn bộ một con cá tương đối lớn. Loài cá mập kỳ dị này vô cùng hiếm gặp. Các nhà nghiên cứu mới chỉ thu thập được vài con kể từ lần đầu tiên phát hiện chúng vào năm 1986.

Do cá mập rắn lục quá hiếm thấy, giới nghiên cứu biết rất ít về chúng. Họ cho rằng vào ban ngày chúng bơi ở độ sâu 300-400 m, còn vào ban đêm hoạt động cách mặt nước 150 m. Thức ăn của cá mập rắn lục bao gồm các loài giáp xác và cá có xương sống, bao gồm cá lồng đèn. Những con cá lồng đèn có thể bị thu hút bởi cơ thể phát sáng của cá mập rắn lục.

Cá mập rắn lục được tìm thấy lần đầu ở ngoài đảo Shikoku, Nhật Bản bởi tàu đánh cá Seiryo-Maru. Nó được đặt tên khoa học là Trigonognathus kabeyai nhằm vinh danh Hiromichi Kabeya, thuyền trưởng của con tàu.

Minh Hoa (t/h)