Đời sống

Bắt con vật quen thuộc trong vườn nhà nấu ăn, người đàn ông tử vong

Nam thanh niên 24 tuổi bắt cóc trong vườn nhà trọ nấu món thịt và trứng để ăn. Sau khi ăn khoảng 30 phút, anh bị ngộ độc dẫn đến tử vong.

Ngày 6/10, ông Lê Minh Tiến, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Quảng Bình cho biết một trường hợp trú tại Tp.Đồng Hới vừa tử vong do ăn thịt và trứng cóc.

Thông tin ban đầu trên Vietnamnet, vào 18h, ngày 2/10, anh D.T.Đ (SN 1999, ở trọ tại đường Nguyễn Cư Trinh, tổ dân phố 9, phường Nam Lý, Tp.Đồng Hới), đã bắt cóc trong vườn nhà trọ, làm thịt và ăn bữa tối một mình tại phòng trọ.

Cụ thể, bữa ăn gồm có cá ngừ kho, canh cà chua, thịt cóc và trứng cóc xào. Sau khi ăn được tầm 30 phút, anh Đ. cảm thấy đau bụng, buồn nôn, nôn, mệt mỏi… nên tự lái xe máy đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới khám.

Các cán bộ y tế điều tra tìm nguyên nhân ngộ độc tại phòng trọ bệnh nhân.

Bệnh nhân nhanh chóng được đưa đến Khoa Hồi sức tích cực và chống độc trong tình trạng mệt mỏi, không nôn, huyết áp bình thường, rối loạn điện giải, rối loạn nhịp tim.

Sau khi nắm bắt tình hình, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc Bufodienolid, Bufotoxin và một số chất khác do ăn trứng cóc nên đã tiến hành rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, atropin.

Mặc dù được cấp cứu nhưng bệnh nhân vẫn rơi vào tình trạng nguy kịch và tử vong vào khoảng hơn 22h cùng ngày. Nguyên nhân tử vong được chẩn đoán là ngộ độc sau ăn thịt, trứng cóc.

Ngay sau khi vụ ngộ độc xảy ra, Trung tâm Y tế Tp.Đồng Hới đã tăng cường tuyên truyền người dân không nên bắt, sử dụng cóc để chế biến thực phẩm, bảo đảm vệ sinh khi chế biến thực phẩm.

Những lưu ý "vàng" cứu người bị ngộ độc cóc:

- Phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu.

- Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận....

- Thải trừ chất độc: Rửa dạ dày, uống than hoạt, thụt, tháo...

- Phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu.

- Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận....

- Thải trừ chất độc: Rửa dạ dày, uống than hoạt, thụt, tháo...

Cách đề phòng ngừa ngộ độc ăn cóc:

Thông tin trên báo Tiền Phong, tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Nhưng nếu vẫn muốn sử dụng cóc làm thực phẩm thì tuyệt đối không ăn trứng và gan cóc.

Lưu ý, trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để da cóc, nội tạng cóc, nhựa cóc lẫn vào cơ cóc hay thịt cóc. Đặc biệt cho đến nay, khoa học chưa chứng minh được nuốt cóc sống có thể điều trị được bệnh ung thư

Trúc Chi (t/h)