Hồ sơ điều tra

Bắt chủ hụi "ôm" tiền tỷ bỏ trốn khiến hàng chục người điêu đứng

Ngày 20/5, theo Công an tỉnh Quảng Nam, đơn vị vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Lê Thị Thanh Vân, 52 tuổi, ngụ huyện Núi Thành, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong quá trình chơi hụi.

Theo điều tra ban đầu, từ 2013 đến cuối 2020, bà Vân làm chủ cái, tổ chức nhiều dây hụi.

Trong quá trình chơi hụi, nhiều người chơi muốn trút ống, tức hốt kì chót. Do đó, các kì giữa, không có người hốt hụi.

Tuy nhiên, bà Vân nói dối với những người chơi là đã có người hốt hụi trong các kì hụi. Bà lấy số tiền này trả nợ, chi tiêu cá nhân, cho vay để lấy lãi.

Sau đó, bà Vân tiếp tục mở thêm nhiều dây hụi khác để lấy tiền trả cho những người “trút ống” ở các dây hụi cũ.

Sau cùng, bà Vân chiếm đoạt của 32 người hơn 2,5 tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Đến nay, bà đã khắc phục hậu quả hơn 1,3 tỷ đồng, còn chiếm đoạt khoảng 1,2 tỷ đồng.

Theo luật sư Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư Tp.Đà Nẵng, việc chơi hụi trong nhân dân hiện nay khá phổ biến. Tuy nhiên, rủi ro phát sinh tranh chấp do bị giật hụi, chậm đóng tiền, vỡ hụi… là khó tránh khỏi.

Trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi.

Trong trường hợp phát hiện chủ hụi có hành vi gian dối như kê khống thành viên tham gia dây hụi để lĩnh tiền, lấy tên hụi viên tự mình hốt hụi, tổ chức nhiều dây hụi ma, bán hụi để huy động vốn… hoặc sau khi bể hụi thì bỏ trốn, không có ý thức trong việc thỏa thuận với các hụi viên…

Những biểu hiện trên có dấu hiệu của các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hình sự. Mức phạt tù cao nhất có thể áp dụng lên đến 20 năm tù, tù chung thân.

Trường hợp nếu chủ hụi có các hành vi bỏ trốn, gian dối để chiếm đoạt tài sản, hoặc sử dụng số tiền đó vào mục đích bất hợp pháp khác dẫn đến không còn khả năng chi trả có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.