Dân sinh

Bất chấp nguy hiểm, du khách ùn ùn kéo về "Phố cà phê đường tàu" trước thông tin bị dẹp bỏ

Theo ghi nhận của phóng viên vào chiều 6/10 tại "phố cà phê đường tàu", sau 3 ngày kể từ khi bộ GTVT có văn bản đề nghị giải tán địa điểm này thì tình trạng lộn xộn người chen người tại đây vẫn không hề giảm bớt, thậm chí còn có xu hướng gia tăng.

Mới đây, bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng ra quân xử lý dứt điểm, giải tán tụ điểm cà phê trên đường sắt. Nguyên nhân của đề nghị trên là tại đây thường xuyên tụ tập đông người hiếu kỳ xem tàu chạy và chụp ảnh check-in hàng ngày, gây mất an toàn giao thông.

Bộ GTVT cũng yêu cầu thành phố phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương cơ sở để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm hành lang, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt.

"Phố cà phê đường tàu" đoạn từ phố Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng là điểm đến dành cho những du khách thích trải nghiệm cảm giác mạo hiểm.

Đề nghị trên của bộ GTVT ngay lập tức đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đa số ý kiến tỏ ra đồng tình và hy vọng có thể xóa bỏ được thực trạng trên càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây là điểm đến rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, đóng ghóp vào nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, không nên giải tán, thay vào đó có giải pháp cho tồn tại, đảm bảo an toàn cho du khách.

Nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú về địa điểm "check in" độc đáo này.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Người Đưa Tin vào chiều 6/10, tại khu vực "Phố cà phê đường tàu" đoạn từ phố Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng, tình trạng người dân lộn xộn để chụp ảnh, kinh doanh vẫn chưa được giảm bớt, thậm chí còn có xu hướng gia tăng.

Tại đây, những quán cà phê nằm ngay sát đường tàu, bàn ghế được kê lộn xộn ở khắp nơi, khách hàng vô tư ngồi giữa đường ray uống cà phê, bia bất chấp nguy hiểm. Trước khi đoàn tàu chạy đến khoảng 5 phút, hành khách sẽ được chủ quán tới thông báo và dọn bàn ghế khỏi khu vực đường ray.

Chia sẻ với phóng viên, anh Đỗ Tô Tuấn (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết: "Bản thân tôi cho rằng, việc dẹp bỏ những quán cà phê đường tàu này là việc làm rất cần thiết. Ai cũng thấy được sự nguy hiểm đang rình rập khi mỗi chuyến tàu chạy qua đây. Tôi mới chỉ đi qua và cũng không muốn thử cảm giác nhìn đoàn tàu chạy qua sát người như thế, bởi Hà Nội còn rất nhiều điểm đến khác đẹp, thú vị hơn và quan trọng là an toàn cho bản thân và mọi người".

Anh Đỗ Tô Tuấn (Mỹ Đình, Hà Nội).

Theo bạn Trần Vân Trang, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: "Mình ủng hộ việc dẹp bỏ dãy cà phê đường tàu này. Việc tập trung quá nhiều người đến đây rất nguy hiểm, nhất là những lần tàu chạy qua, nhiều người phải ép sát vào tường thì mới né được tàu, khu vực này cũng tập trung nhiều trẻ em, nên càng nguy hiểm hơn".

Du khách phải đứng sát vào mép nhà mỗi khi tàu chạy qua.

Chia sẻ với phóng viên Người Đưa Tin, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức cho biết: "Xử lý dứt điểm, giải tán tụ điểm cà phê trên đường sắt, đe dọa mất an toàn là quyết định đúng đắn của cơ quan chức năng và cần được xử lý cấp bách. Bởi, trong Luật đã có quy định rất rõ về việc bảo đảm hành lang an toàn đường sắt, nếu muốn kinh doanh loại hình này thì buộc phải có kế hoạch cụ thể đặt vấn đề an toàn lên trên hết".

Theo đó, tại Nghị định số 56/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, hành lang an toàn đường sắt đã nêu rõ, chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính tính từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên trong khu vực đô thị là 05m, ngoài khu vực đô thị là 15m.

Từ đó, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những quán cà phê đường tàu này đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến phố Phùng Hưng nhưng quy định trên đều không được thực hiện một cách nghiêm túc.

Du khách ùn ùn kéo về "Phố cà phê đường tàu" trước thông tin địa điểm này bị dẹp bỏ.

TS Đức cho biết thêm: "Đồng ý đây là loại hình kinh doanh sáng tạo, thu hút được sự quan tâm của nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nước nhà tuy nhiên, tiềm năng đến mấy thì cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Nếu muốn làm du lịch tại khu vực này, TP Hà Nội phải có quy hoạch, phải đề xuất phương án, có ý kiến của cơ quan chuyên môn và ngành giao thông, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt".

Cũng theo chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức, việc du khách tập trung tại đây để chụp ảnh cũng như các hộ dân kinh doanh trong hành lang an toàn giao thông đường sắt là rất nguy hiểm, tiền ẩn nhiều rủi ro cho người dân mỗi khi có tuyến tàu di chuyển qua. Hơn nữa, ở phạm vi hẹp như vậy chẳng may đoàn tàu gặp sự cố gì, kể cả sự cố nhỏ đi chăng nữa thì người dân cũng sẽ rất nguy hiểm.