Hồ sơ doanh nghiệp

Bất chấp doanh thu giảm, ông chủ "heo ăn chay" vẫn thu lời lớn

Dù doanh thu thuần giảm một nửa so và chi phí vận hành tăng mạnh, Nông nghiệp BAF vẫn báo lãi 158 tỷ đồng trong quý III/2022, tăng 259% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF (HoSE: BAF) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Theo đó, doanh thu thuần của công ty ghi nhận 1.919 tỷ đồng, giảm 49,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nhờ tiết giảm giá vốn hàng bán mà lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty vẫn cao hơn 199%, đạt 215,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chi phí vận hành doanh nghiệp đều ghi nhận tăng mạnh. Cụ thể, chi phí chi phí bán hàng tăng hơn 7 lần lên 24,2 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 38% lên 19 tỷ đồng trong quý III/2022. Sau khi trừ mọi chi phí, BAF báo lãi 158 tỷ đồng, tăng 259% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của BAF ở mức 4.890 tỷ đồng giảm 46%. Trong đó, cơ cấu doanh thu của công ty đang có tín hiệu dịch chuyển, từ bán nông sản sang hoạt động chăn nuôi.

Cụ thể, doanh thu hoạt động chăn nuôi tăng hơn 94%, đạt 955 tỷ đồng nhưng doanh thu bán nông sản lại giảm mạnh 54% so đầu năm, xuống còn 3.933 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả kinh doanh, BAF cho biết 9 tháng qua, sản lượng và doanh thu tăng do cơ cấu đàn dần đi vào ổn định, các trại mới đã đi vào vận hành. Cùng với đó, giá heo hơi trung bình quý 3 tăng 21% so với năm trước, tác động làm chỉ số kinh doanh tăng.

Mặc dù doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế của BAF vẫn tăng 17% so với cùng kỳ, tương đương đạt 286 tỷ đồng. 

Năm 2022, công ty đưa ra kế hoạch với mục tiêu doanh thu thuần 5.950 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 402 tỷ đồng. Như vậy, 9 tháng đầu năm, BAF đã thực hiện được 82% kế hoạch doanh thu và 71,1% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của BAF là 5.119 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số đầu năm. Hàng tồn kho trong kỳ của doanh nghiệp tăng hơn 38%, đạt 1.504,8 tỷ đồng, chủ yếu tăng từ hàng hoá và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Dư nợ phải trả đến cuối kỳ của công ty là 3.378 tỷ đồng, giảm 15% so với số đầu năm. Tuy vậy nhưng nợ dài hạn của công ty lại ghi nhận tăng hơn 337%, chủ yếu là do công ty ghi nhận thêm khoản trái phiếu dài hạn trị giá 300 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận. Vốn của chủ sở hữu tính đến cuối tháng 9 đạt 1.741 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm.

Tại một diễn biến khác, thời gian vừa qua, lãnh đạo của công ty ồ ạt thoái vốn trước bối cảnh công ty của Chủ tịch HĐQT là Siba Holdings “ra sức" gom cổ phiếu.

Theo đó, Bà Bùi Hương Giang - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty đã bán hơn 13,8 triệu cổ phiếu BAF; ông Phan Ngọc Ấn - thành viên HĐQT đã bán gần 6,6 triệu cổ phiếu và ông Lê Xuân Thọ - thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc bán hơn 2 triệu cổ phiếu. 

Diễn biến thị giá cổ phiếu BAF (Nguồn: TradingView).

Bên cạnh đó, mới đây BAF bất ngờ thông báo tạm hoãn chào bán lô trái phiếu trị giá 600 tỷ đồng vì một số nội dung trong phương án phát hành không phù hợp với Nghị định 65 của Chính phủ.

Vào ngày 26/10, BAF Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố thương hiệu "heo ăn chay - BaF Meat". Chia sẻ với truyền thông, ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT công ty BAF cho biết, hiện công ty có công thức dinh dưỡng trong chăn nuôi heo độc quyền, đó là hoàn toàn không có chứa các thành phần gốc đạm động vật, chỉ sử dụng các thành phần có gốc thực vật. Như vậy, heo BAF có thể gọi là heo ăn chay.