Bất động sản

Bất cập trong huy động vốn dự án ở Tp.HCM - Bài 1: Những dự án huy động vốn rồi “đắp chiếu”

Ở Tp.HCM, không thiếu những dự án bất động sản mở bán rầm rộ cách đây vài năm, thu tiền của hàng trăm khách hàng nhưng sau đó lại "đắp chiếu".

Mở bán dự án rầm rộ rồi "đắp chiếu"

Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, những năm trước khi thị trường căn hộ, nhà ở chung cư trên địa bàn Tp.HCM diễn ra khá sôi động. Công tác quản lý dự án BĐS luôn được các cơ quan chức năng quan tâm, tăng cường kiểm tra, nhưng vẫn xuất hiện những dự án "chui" rao bán, huy động vốn khi chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định của pháp luật.

Dự án D-One tọa lạc trên mặt tiền đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp.

Đáng chú ý là bộ đôi dự án D-One và D-Aqua Công ty TNHH MTV DHA làm chủ đầu tư. Dự án D-One nằm tại số 12 đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp do Công ty TNHH MTV DHA làm chủ đầu tư. Từ cuối năm 2018, dự án này đã được môi giới rao bán, nhận đặt cọc giữ chỗ.

Dự án D-One được quảng cáo có quy hoạch trên tổng diện tích 2ha, bao gồm 322 căn hộ studio và 226 shophouse kinh doanh hiện đại. Mang đến một thiên đường mua sắm, vui chơi, giải trí đầy sôi động và được quảng cáo là mảnh ghép hoàn hảo cho một Tp.HCM không ngủ. Nhưng ghi nhận thực tế của PV cho thấy, D-One chỉ là bãi đất trống và không biết đến bao giờ dự án nay mới tái khởi động lại.

Một dự án khác của Công ty TNHH MTV DHA là dự án D-Aqua nằm trên mặt tiền Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, có nguồn gốc đất công, được chuyển nhượng lòng vòng từ Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp và Đầu tư Tp.HCM (IMEXCO) đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư DHA (DHA Corporation).

Năm 2020, PV đã có phản ánh tình trạng Công ty TNHH MTV DHA huy động vốn trái phép tại dự án D-Aqua, dù lúc đó chỉ là bãi đất trống.

Đến nay sau 3 năm, theo ghi nhận của PV, dự án đã tái khởi động, bên trong công trường gần chục công nhân đang làm việc thì không biết đến khi nào người mua mới được nhận nhà.

Phối cảnh dự án Salto Residence.

Còn ở Tp.Thủ Đức, thời gian gần đây nổi lên dự án Salto Residence do Công ty CP Xây dựng Sài Gòn (SCC) làm chủ đầu tư cũng chào bán khi khu đất chỉ là bãi đất trống.

Nằm ngay mặt tiền Nguyễn Thị Định thuộc khu đô thị Phố Đông Village, dự án được xây dựng trên khu đất rộng 8.77 m2, quy mô 21 tầng 483 căn hộ và 8 căn shophouse. Theo như nhân viên môi giới giới thiệu, đây là dự án đang có mức giá cực tốt khi chỉ từ 59 triệu đồng/m2. Hồi cuối tháng 5/2022, SCC cũng đã tổ chức giới thiệu dự án.

Chủ đầu tư nhận tiền rồi… hứa

Ở Tp.HCM, không thiếu những dự án bất động sản mở bán rầm rộ cách đây vài năm về trước, thu tiền của hàng trăm khách hàng nhưng sau đó lại "đắp chiếu". Người dân thì mòn mỏi chờ đợi ngày có nhà ở.

Dự án City Gate 3 vẫn vẫn đang “án binh bất động”.

Đơn cử, là dự án City Gate 3 đang được nhiều trang mạng giới thiệu là dự án căn hộ cao cấp bậc nhất khu Tây Tp.HCM, tọa lạc tại vị trí vàng thuộc phường 16, quận 8 và cũng là dự án có quy mô lớn bậc nhất tại phường 16 từ trước đến nay. Dự án hứa hẹn sẽ tạo nên cơn sốt căn hộ cuối năm 2018 do Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (Công ty 577) làm chủ đầu tư.

Theo thông tin quảng cáo, dự án có quy mô hơn 7,7ha, gồm 2.201 căn hộ với 3 block cao 33 tầng; 34 căn hộ shophouse; 134 căn nhà liên kề, với tổng mức đầu tư là 2.615 tỷ đồng do Công ty 577 đầu tư 100%.

Dự án được giới thiệu với đầy đủ tiện ích như: Trường mầm non, trường tiểu học, trạm y tế, sân tennis, hồ bơi, phòng tập gym…

Quảng cáo là vậy nhưng đến thời điểm hiện tại dự án vẫn đang “án binh bất động”, chưa có dấu hiệu triển khai thi công xây dựng. Khiến nhiều người mua nhà tại dự án khốn đốn đi vay mượn, trả lãi ngân hàng để có tiền giao cho chủ đầu tư.

Dự án Lancaster Lincoln khởi công tầng hầm từ cuối năm 2016 nhưng đến năm 2018 thì bị "tuýt còi" vì chưa có giấy phép xây dựng.

Hay Dự án Lancaster Lincoln xây dựng trên khu đất rộng hơn 8.400m2, gồm 2 tòa tháp căn hộ 40 tầng, 1 cao ốc văn phòng 8 tầng và 2 tầng hầm, cung cấp 586 căn hộ và 274 căn officetel.

Dự án do Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster, thành viên của Trung Thủy Group làm chủ đầu tư, khởi công tầng hầm từ cuối năm 2016 nhưng đến năm 2018 thì bị "tuýt còi" vì chưa có giấy phép xây dựng.

Thông tin dự án vướng pháp lý và phải dừng thi công khiến nhiều khách hàng đã đặt cọc, làm hợp đồng mua bán nhà như "ngồi trên đống lửa" bởi họ đã bỏ ra số tiền lớn, từ hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng. Người dân cũng gửi đơn cầu cứu nhiều cơ quan, đơn vị từ địa phương đến Trung ương nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.

(còn nữa)