An ninh - Hình sự

Bắt 11 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chiêu trò “bùa ngải”

Công an huyện Như Xuân, Công an TP.Thanh Hóa phối hợp với Công an huyện Gia Lâm triệt phá, bắt giữ 11 đối tượng lừa đảo qua mạng bằng chiêu trò “bùa ngải”.

Ngày 23/10, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an huyện Như Xuân phối hợp với Công an TP.Thanh Hóa (Thanh Hóa) và Công an huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội bắt giữ ổ nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng theo hình thức bán các “bùa ngải” và các đồ vật tâm linh.

Đường dây này do Lê Tất Đạt (SN 1996), trú tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cầm đầu.

Khám xét tại chỗ, lực lượng Công an đã thu giữ 18 bộ máy tính để bàn, 20 điện thoại di động, 1 laptop là công cụ, phương tiện mà các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng của hàng nghìn nạn nhân trên cả nước.

Kết quả điều tra ban đầu, từ khoảng cuối tháng 9/2023, sau khi học được “nghề” lừa đảo trên không gian mạng từ một số đối tượng trở về từ Campuchia, Lê Tất Đạt đã mua công cụ, phương tiện chọn Hà Nội (số nhà 29, ngõ 6, tổ dân phố An Lạc, thị trấn Châu Quỳ, huyện Gia Lâm) và Thanh Hóa (Chung cư “Hùng Hiền 68” phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa làm “đại bản doanh”.

Đạt đã tuyển dụng gần 20 đối tượng là sinh viên, học sinh có kiến thức tin học, có kĩ năng giao tiếp và giao cho mỗi người một bộ máy tính để bàn, 1 điện thoại di động có cài sẵn các nội dung, dữ liệu trên tài khoản facebook, zalo và phân ra 2 nhóm tại Hà Nội, Thanh Hóa để tổ chức hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.

Lê Tất Đạt đã hướng dẫn các "nhân viên" những “ngón nghề” lừa đảo. Theo đó, các đối tượng đã lập ra các trang Fanpage “Se duyên 1”, “Se duyên 2”, “Xem tình duyên miễn phí”…. trên mạng xã hội facebook và chạy quảng cáo. Khi có “khách” nhắn tin qua trang Fanpage hỏi thì các đối tượng đã tự xưng là “thầy”, “cậu”, “cô”… và yêu cầu nạn nhân kết bạn zalo để được tư vấn.

Các đối tượng và tang vật của vụ án tại cơ quan công an.

Trong quá trình tư vấn, các đối tượng đã yêu cầu “khách” để lại họ tên, ngày tháng năm sinh…. Chúng tiếp tục lên mạng tìm kiếm thông tin cơ bản về phong thuỷ hợp với tuổi của khách cung cấp rồi giả vờ tư vấn cho khách, đồng thời đưa ra những lời đe dọa phải giải vận hạn nếu không sẽ gặp nhiều rủi ro trong thời gian tới.

Sau khi tạo được lòng tin, các đối tượng đề nghị “khách” mua các đồ vật tâm linh như: bùa, ngải… để giải hạn hoặc vật phẩm mang lại may mắn như “đồng tiền xu, vòng gỗ hoàng đàn, vòng tỳ hưu, nhẫn” với giá giao động từ 200.000 đến 2 triệu đồng.

Với thủ đoạn trên, chỉ tính từ cuối tháng 9/2023 cho đến khi bị bắt, Lê Tất Đạt đã chỉ đạo các “nhân viên” của mình thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của hàng nghìn nạn nhân trên cả nước với số tiền khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Thượng tá Mai Anh Tiến, Trưởng Công an huyện Như Xuân nhận định, đây là một thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Thời đại 4.0, dịch vụ bói toán, tử vi trực tuyến nở rộ và được quảng cáo, mời chào công khai trên không gian mạng.

Nhiều trang mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ tâm linh có tới vài chục thậm chí cả trăm nghìn lượt người theo dõi. Đây là “mảnh đất” màu mỡ cho kẻ xấu lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng trong ổ nhóm này đã lợi dụng niềm tin tâm linh của người dân để lừa đảo. Trong đó, bọn chúng thường nhằm vào những người có hoàn cảnh trắc trở, éo le, kém may mắn trong cuộc sống, quá tin vào những lời đồn thổi, bói toán vô căn cứ…để lừa đảo.