Sự kiện

Bão số 9: Thiếp giáp, trực thăng sẵn sàng xung trận

7 trực thăng, xe thiết giáp bọc thép, cùng hàng ngàn lực lượng quân đội đã sẵn sàng ứng phó với bão số 9.

Ngày 28/10, bộ Chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng vận hành 3 xe bọc thép BTR152 sẵn sàng hỗ trợ ứng cứu người dân trong bão số 9.

Đại tá Nguyễn Quốc Hương, Chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng cho biết, để triển khai công tác ứng phó với bão số 9, đơn vị đã huy động 100% quân số với khoảng 1.000 cán bộ, chiến sĩ, trong đó bộ đội thường trực là 442 người.

Bộ Chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng cũng thành lập 3 đoàn kiểm tra, rà soát, bố trí lực lượng sẵn sàng cả về quân tư trang và nắm vững địa bàn để tham gia ứng cứu khi có yêu cầu. Đề phòng trường hợp nước lên sau bão, bộ Chỉ huy quân sự thành phố này cũng đã xây dựng phương án lập điểm chốt không để người dân đi lại tại một số vị trí nguy cơ.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, các lực quân đội đã sẵn sàng để huy động tổng số 66.000 lượt người với 1.700 phương tiện gồm tàu to, xuồng máy, máy bay trực thăng, ô tô các loại… tham gia phòng chống bão số 9.

Tăng thiết giáp của quân đội sẵn sàng tham gia ứng phó bão số 9.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại sở Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9, Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng cục Cứu hộ - Cứu nạn bộ Quốc phòng khẳng định, nếu cần có thể huy động có thể huy động thêm lực lượng của Quân khu 7, Quân khu 4, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và các lực lượng khác…

Còn theo đại diện Sư đoàn không quân 372, Sư đã sẵn sàng điều động 7 trực thăng và gần 100 cán bộ, chiến sĩ để làm nhiệm vụ ứng phó bão số 9. Đặc biệt là khi bão kết thúc, nhiều địa phương bị cô lập do hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy gặp khó khăn thì trực thăng sẽ lên đường để làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

"Sư đoàn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh", lãnh đạo Sư 372 nói.

Cây cối ngã đỗ, mái tôn hư hỏng do bão.

Tại cuộc họp sáng 28/10 ở sở Chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương sẵn sàng ứng phó với các sự cố mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực miền núi. Vấn đề này thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ.

Cùng với đó, Trung ương sẽ hỗ trợ hết sức theo tinh thần khẩn cấp phòng chống bão. Các bộ Quốc phòng, Công an, Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị đóng chân trên địa bàn có trách nhiệm cùng chuẩn bị lực lượng, vật tư, trang thiết bị chủ động ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp khi có sự cố xảy ra.

 

Mất điện diện rộng

Do tác động của bão số 9 (Molave), TP. Đà Nẵng đã mất điện diện rộng ở các khu vực phường Thạch Thang, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh, Hòa Tiến, Hòa Bắc, Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Khương, Hố Trầu và một số khu vực trên đường Nguyễn Tri Phương. Các sự cố này do cây xanh ngã đỗ, tôn bạt bay đè lên hệ thống điện.

Ngành điện Đà Nẵng khuyến cáo người dân khi phát hiện sự cố điện báo ngay cho điện lực qua số hotline 19001909. Đặc biệt, không thực hiện sửa chữa điện gia đình khi mưa gió, tắt các aptomat thiết bị ngoài trời, khi ngập nước hoặc ẩm ướt cao… Do tình hình mưa bão vẫn diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn điện, điện lực Đà Nẵng đã bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ.