Môi trường

Bão số 9 nguy hiểm và khó lường, đang tiến dần về miền Trung nước ta

Ảnh hưởng của không khí lạnh tràn về từ miền Bắc sẽ làm thay đổi cường độ và hướng di chuyển của bão số 9 khiến công tác dự báo thiên tai gặp nhiều khó khăn.

Ngày 21/11,Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay, hiện nay ở phía Đông khu vực miền Trung của Philippines đang tồn tại một áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh cấp 7.

Vị trí của ATNĐ lúc 10h sáng ngày 20/11 ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc-128,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 400km về phía Đông Đông Nam. Trong 24 giờ tiếp theo, ATNĐ sẽ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30km, hướng vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 9 trong năm 2018.

Theo Trung tâm dự báo, đến khoảng 19h ngày 22/11, vị trí tâm bão sẽ rơi vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 80km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Đến 13h ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.

Hướng đi của bão số 9 (ảnh: VTC). 

Cùng với đó vào chiều và đêm ngày 21/11, bộ phận không khí lạnh từ Bắc sẽ di chuyển xuống, tương tác với bão làm thay đổi hướng di chuyển và cường độ của bão số 9.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, sự tương tác này khiến cho diễn biến đường đi và cường độ của bão số 9 sẽ rất phức tạp, không khí lạnh có thể khiến bão sẽ suy yếu và gây mưa ít. Tuy nhiên, không khí lạnh cũng có khả năng khiến cường độ bão mạnh lên, hướng di chuyển của bão cũng có thay đổi; ví dụ nếu không khí lạnh mạnh có thể sẽ làm cho bão di chuyển lệch hơn về phía Nam. Do đó, việc dự báo khu vực đổ bộ của bão số 9 là rất khó.

Những thông tin dự báo ban đầu cho rằng ảnh hưởng của cơn bão và không khí lạnh sẽ gây mưa lớn trên khu vực từ tỉnh Quảng Trị đến Bình Thuận, khu vực Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, phần phía Bắc của các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đợt mưa này sẽ bắt đầu ngày 22/11, khi không khí lạnh tràn xuống miền Trung, đến ngày 23/11 đợt không khí lạnh tương tác với bão sẽ bắt đầu khiến mưa thêm nặng hạt. Dự báo mưa lớn sẽ kéo dài trong khoảng 6 ngày và sẽ ngớt dần vào ngày 28/11.

Đặc biệt, ông Lâm thể hiện sự lo ngại vì tỉnh Khánh Hòa nằm trong vùng trọng tâm mưa, trong đó mưa sẽ xảy ra dồn dập trong hai ngày 23-24/11, với tổng lượng mưa mỗi ngày có thể lên tới 200-300mm. TP. Nha Trang (Khánh Hòa) nằm trong vùng mù của radar, bị che lấp do sự phát triển của các công trình nhà ở cao tầng, bị nhiễu sóng nên tín hiệu phản hồi bị nhiễu, không xác định được các ổ mây gây lượng mưa lớn.

Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã có văn bản hỏa tốc gửi các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên (bao gồm cả Nam Trung Bộ), yêu cầu các địa phương tập trung triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 9.

Nhiệm vụ trọng tâm trong những ngày tới là bảo đảm an toàn cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển; gia cố, bảo vệ ao đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản; tranh thủ thu hoạch sớm hải sản sắp đến kỳ thu hoạch. Đồng thời, rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó khi bão số 9 đổ bộ.

Riêng đối với TP. Nha Trang, lãnh đạo thành phố bố yêu cầu tiếp tục tổ chức lực lượng cứu nạn chuyên nghiệp, sẵn sàng ứng cứu người dân và du khách trên địa bàn vịnh Nha Trang, đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, túc trực 24/24h, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, trũng thấp ngập lụt.

Không lâu trước đó, ảnh hưởng hoàn lưu bão số 8 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tỉnh Khánh Hòa. Theo thống kê, toàn tỉnh có 18 người chết, 1 người mất tích và 28 người bị thương, 124 căn nhà sập hoàn toàn, 17 căn nhà sập một phần, 10 chiếc tàu thuyền của người dân bị chìm tổng thiệt hại ước tính trên 19,9 tỷ đồng.

Xem thêm: Khánh Hòa tan hoang sau bão số 8

Tôn Vỹ