Sự kiện

Bão số 9: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện mưa lớn kéo dài

Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu và Đồng Nai đang gấp rút thực hiện các phương án phòng chống bão số 9. Hiện tại, do ảnh hưởng của bão 2 tỉnh đang có mưa lớn kéo dài.

Đến thời điểm này, trước diễn tiến phức tạp của bão số 9, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) và Đồng Nai đã chủ động, khẩn trương triển khai nhiều phương án phòng chống bão. Tất cả phương án đặt ra đều đưa việc bảo đảm an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu.

Bắn pháo hiệu thông báo tin bão khẩn cấp gần bờ.

Theo đó, tại tỉnh BR-VT, lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành cùng lực lượng quân sự, công an,… đều liên tục họp bàn để đưa ra các phương án phòng chống bão cũng như di dời, sơ tán dân.

Cụ thể, theo dự kiến, nếu bão đổ vào, sẽ sơ tán gần 160.000 dân đến nơi trú ẩn an toàn. Và đến trước 12h trưa nay (24/11), việc di dời dân, tài sản của dân, lồng bè cá,… tại các khu vực xung yếu phải được hoàn tất. Các khu du lịch, khách sạn cũng phải thông báo cho du khách, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng để kịp thời hỗ trợ khách di dời đến nơi an toàn. Các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện hay phường xã phải có người trực để ứng cứu kịp thời.

Nhiều phương tiện đã được neo đậu an toàn.

Tỉnh cũng phát đi thông báo yêu cầu các công ty và điện lực các huyện, thị, thành phố bố trí lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng phó, thay thế khi có sự cố về điện. Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh ngừng việc nhập hàng để bảo đảm an toàn cho người, tài sản và hàng hóa,…

Và trong đêm 23/11, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam cũng đã đi thị sát tuyến luồng trên địa bàn tỉnh BR-VT. Đồng thời, ông Sang cũng đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị chức năng để triển khai phương án chống bão. 

Tại cuộc họp, Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho rằng, cơn bão số 9 có đường đi phức tạp nên không được chủ quan, lơ là, phải sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, các phương tiện thủy nội địa, phương tiện nhỏ từ 3.000 tấn phải bằng mọi cách đưa vào bờ. Tàu khách tuyến bờ đảo cũng phải dừng ngay hoạt động từ sáng 24/11.

Đồng Nai cũng tích cực phòng chống bão.

Cũng trong đêm 23/11, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh BR-VT đã bắn pháo hiệu thông báo tin bão khẩn cấp gần bờ. Pháo hiệu được bắn tại 2 địa điểm là Mũi Nghinh Phong và cầu cảng Côn Đảo. Việc bắn pháo báo hiệu nhằm mục đích thông báo tin bão khẩn cấp gần bờ, giúp bà con ngư dân biết để tránh trú an toàn.

Mưa lớn trên diện rộng. (Ảnh: NĐN).

Còn tại tỉnh Đồng Nai, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có công điện khẩn gửi các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu lực lượng chức năng tiến hành rà soát, bố trí lực lượng trực, canh gác, kiểm soát tại các khu vực giao thông bị ngập, bến đò để hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Ngoài ra còn có phương án tổ chức di dời người, tài sản của người dân ở những vùng thường xảy ra ngập sâu, vùng ven sông, suối, vùng thường xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Làng bè trên sông Đồng Nai cũng đã neo đậu phương tiện, hạn chế di chuyển.

Qua ghi nhận thực tế, do ảnh hưởng của bão số 9 nên từ rạng sáng 24/11, trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và BR-VT đã xuất hiện mưa lớn liên tục và kéo dài.

Theo trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 22h ngày 23/11, vị trí tâm bão của cơn bão số 9 (bão Usagi) ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc, 110,3 độ Kinh Đông. Cách đảo Phú Quý khoảng 210km, cách Nha Trang khoảng 220km, cách Phan Thiết khoảng 260km, cách Vũng Tàu khoảng 340km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 -1 00km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 100km.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 10h ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc, 109,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu và cách Phan Thiết 120km, cách Vũng Tàu 210km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 -10 (75 - 100km/giờ), giật cấp 12.  Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu với cường độ mạnh cấp 7 - 8.

Đến 22h ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc, 108,0 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.