Môi trường

Bão số 9 đổ bộ, nguy cơ ngập úng diện rộng có thể trở lại

Chiều 26/10, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức họp báo bất thường thông tin về cơn bão số 9 với mức độ cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 4.

Tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, bắt đầu từ sáng 26/10, cơn bão có tên quốc tế là  Molave đã đi vào Biển Đông, đây là cơn bão số 9 trong năm 2020. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã ban hành bản tin khẩn cấp về bão số 9 vì theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, khi bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền trong 24-48 giờ thì phải phát tin bão khẩn cấp.

Các phân tích, dự báo hiện nay của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy, bão số 9 sẽ di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền từ đêm ngày 27 tháng 10 năm 2020.

Theo ông Trần Quang Năng - Phó phòng Dự báo thời tiết hạn ngắn, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, mức độ nguy hiểm của bão số 9 gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Từ chiều mai (27/10), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m.

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m.

Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Ông Trần Quang Năng - Phó phòng Dự báo thời tiết hạn ngắn, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương.

Dự báo mưa lớn trên đất liền: Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt. Từ 28-31/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Nghệ An có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4. 

Hệ quả của bão trên biển vùng ven biển là gió mạnh, sóng lớn và nước biển dâng.

Về nguy cơ sóng lớn: Bão số 9 với cường độ rất mạnh cấp 12-13 sẽ gây những đợt sóng cao tới 10m trên biển Đông. Không chỉ sản phẩm dự báo của Việt Nam mà cả những sản phẩm dự báo trên thế giới đều cho kết quả dự báo sóng cao.

Khi bão đi sâu vào vùng biển Trung Bộ, độ cao sóng ít suy giảm với lý do đây là khu vực biển thoáng, không bị che chắn, độ sâu của biển lớn, và dốc nên mức độ làm giảm sóng do ma sát ít. Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình –Phú Yên sóng cao 4-7m, vùng gần tâm bão (Đà Nẵng tới Bình Định), bao gồm các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm sóng cao 6-8m, gió tại Lý Sơn có thể đạt cấp 11-12.

Về nguy cơ nước dâng: Mặc dù nhiều khu vực không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng do hoàn lưu bão lớn, các khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định cần đề phòng nước  nước dâng do bão từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng cao tại khu vực trũng, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Về mưa lớn, từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt. Từ 28-31/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Nghệ An có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Do mưa lớn nên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Mực nước trên nhiều sông có khả năng lên BĐ2-BĐ3, có sông vượt BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt diện rộng trở lại.

Ngoài ra, nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên; nguy cơ xảy ra sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu trong đợt lũ này.

Đánh giá thêm về cơn bão, tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm cho biết, đây là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm đến nay, nên công tác di dân, kiên cố nhà cửa tại các tỉnh chịu ảnh hưởng cần được tiến hành ngay trong ngày 27 để đảm bảo an toàn.

Cũng trong sáng nay, trước dự báo bão số 9 (bão Molave) mạnh cấp 12- 13, giật cấp 15 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận, để bàn biện pháp ứng phó.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết một mặt ứng phó bão số 9, đồng thời phải tập trung cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân; đảm bảo công tác cứu trợ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho đồng bào miền Trung.