Môi trường

Bão số 3 không thể làm ảnh hưởng kết quả thí nghiệm xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch?

Chuyên gia Nhật Bản khẳng định, bão số 3 không ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano tại một đoạn sông Tô Lịch.

Được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả nhất có thể “cứu sống” sông Tô Lịch cho đến thời điểm hiện tại, tuy nhiên ngày 9,10/7 sau khi tiếp nhận hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây, thí nghiệm công nghệ Nano phải làm lại từ đầu, nhiều người lo ngại, với cường độ bão số 3 mạnh như hiện tại đang đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, trong đó Hà Nội cũng bị ảnh hưởng nặng nề thì công nghệ Nano có bị cuốn trôi như lần trước.

Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin về vấn đề này, TS.Kubo Jun, cố vấn kỹ thuật Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản khẳng định: "Những cơn mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 không ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm".

Người dân Hà Nội luôn kỳ vọng đây sẽ là giải pháp tối ưu "cứu sống" được dòng sông ô nhiễm này.

Do ảnh hưởng cơn bão số 3, theo Trung tâm Khí tượng Thuỷ Văn được biết, những ngày qua Hà Nội xuất hiện nhiều cơn mưa lớn. Bão và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn trên diện rộng từ ngày 1-4/8. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-300 mm, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400 mm.

"Công nghệ được thiết kế từ đầu là đặt chìm các thiết bị thì mới xử lý tận gốc toàn bộ chất ô nhiễm, bùn hữu cơ ở tầng đáy, chất ô nhiễm lơ lửng trong nước. Tốc độ dòng chảy của nước mạnh mới ảnh hưởng đến kết quả thí điểm", vị tiến sĩ này khẳng định.

Ngày 31/7 vừa qua, công ty Thoát nước Hà Nội tiếp tục mở cửa xả từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch để hạ mực nước mưa mặt hồ này, đồng thời chuẩn bị cho công tác phòng chống úng ngập do cơn bão số 3 gây ra.

Đại diện công ty Thoát nước cho biết, để chuẩn bị cho công tác phòng chống ngập úng cho cơn bão số 3, sau khi kiểm tra mực nước tại Hồ Tây, đơn vị thấy rằng mực nước hồ đang ở cao trình 5,8 m, vượt 0,2m so với cao trình cho phép là 5,6m. Phía công ty đã thông báo cho công ty Cổ phần Đầu tư Môi trường Nhật Việt (JVE) về việc xả nước lần này trước 1 ngày bằng văn bản và điều chỉnh tốc độ xả nước vừa phải.

Lý giải về một lần duy nhất kết quả thí nghiệm bị ảnh hưởng và phải làm lại từ đầu, TS.Kubo Jun cho biết, lần xả nước ngày 9/7, tốc độ xả nước rất mạnh khoảng trên 8m/s và bất ngờ nên hệ vi sinh vật đã được kích hoạt bị ảnh hưởng. Hiện tại, chúng tôi đã có phương án bảo vệ thành quả của dự án, kể cả thời gian tới có tiếp tục xả nước vào sông Tô Lịch. Nhận thông báo về việc xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch trước 1 ngày, chúng tôi có đủ thời gian xoay phương án đảm bảo đến kết quả dự án.

Trước đó, trả lời báo chí về việc tiếp tục thí nghiệm công nghệ Nano, vào mùa mưa bão có bị ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm, khi kết quả bị ảnh hưởng sau khi bất ngờ tiếp nhận 1 triệu m3 nước từ hồ Tây, TS.Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản khẳng, đây là lần đầu chúng tôi bị bất ngờ về việc xả nước chỉ thông báo sau 15 phút, nhưng hiện chúng tôi đã có giải pháp công nghệ để kết quả thử nghiệm không bị cuốn trôi, kể cả trong trường hợp lưu lượng xả nước từ hồ Tây nhiều hơn lần trước. Giải pháp là điều chỉnh lại thiết bị Bioreactor, được hình dung giống như xây một "tòa chung cư" giúp "tránh lũ" cho các vi sinh vật, đảm bảo lưu giữ được kết quả thí nghiệm.