Sự kiện

Bão số 10 cách Quảng Ngãi - Phú Yên 210km, dự kiến sơ tán 28.285 người

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 10 cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên khoảng 210km với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Ngày 5/11, theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, để ứng phó với bão số 10, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán dân trước khi bão đổ bộ. Tổng số dân dự kiến sơ tán 7.688 hộ với 28.285 người, trong đó đã thực hiện sơ tán 2.178 hộ với 8.125 người.

Cụ thể, Quảng Ngãi dự kiến sơ tán 1.019 hộ với 3.855 người; đã sơ tán 1.166 hộ với 4.543 người (ở các khu vực có nguy cơ sạt lở). Bình Định dự kiến sơ tán 1.019 hộ với 4.288 người.

Phú Yên dự kiến sơ tán 3.688 hộ với 12.226 người; đã sơ tán 1.012 hộ với 2.989 người (tại các khu vực nguy hiểm ven biển).

Khánh Hòa dự kiến sơ tán 1.872 hộ với 7.916 người; đã sơ tán 683 người (tại các khu vực có nguy cơ sạt lở thuộc huyện Vạn Ninh).

Theo báo cáo số 706/BC-CQTT ngày của cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h sáng 5/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.884 phương tiện với 232.118 người, biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó có 19 tàu với 90 lao động nằm trong khu vực nguy hiểm, tuy nhiên đây là các tàu hoạt động ở ven bờ, đi về trong ngày.

Theo báo cáo của bộ GTVT, số lượng tàu thuyền ở khu vực vùng nước cảng biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có 1.191 phương tiện vận tải đang neo đậu và tránh trú (331 tàu biển; 860 phương tiện thủy nội địa). Bộ GTVT có công điện chỉ đạo các cảng vụ hàng hải giữ liên lạc, hướng dẫn các tàu trú tránh bão.

Từ Quảng Ngãi đến Khánh Hoà có 175.253 lồng, bè (đặc biệt tại Phú Yên: 81.177, Khánh Hòa: 91.225). Các địa phương đã tổ chức gia cố, di dời lồng bè và triển khai các biện pháp ứng phó với bão. Trong đó tỉnh Phú Yên đã di dời toàn bộ 4.050 lao động trên các lồng bè; tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị phương án di dời 13.617 lao động trên các lồng bè khi có lệnh, phù hợp với diễn biến của bão.

Theo cảnh báo của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, từ ngày 5 đến 7/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh, các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Kon Tum ở mức báo động 1, báo động 2, có sông trên báo động 2; các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên, Gia Lai có khả năng lên mức báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3.

Tính đến ngày 5/11, bão số 9 làm 83 người chết, mất tích, trong đó có 40 người chết, 43 người mất tích. Địa phương thiệt hại về người nặng nề nhất là Quảng Nam với 28 người chết (Nam Trà My 18, Bắc Trà My một người, Phước Sơn chín người), 19 người mất tích (Nam Trà My 14, Phước Sơn bốn người, Hiệp Đức một người).

Để chủ động phòng tránh bão và mưa lũ, từ ngày 5/11, các lực lượng tạm dừng công tác tìm kiếm cứu nạn và sẽ tiếp tục triển khai sau khi bão tan, thời tiết thuận lợi.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, vào hồi 13h ngày 5/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ngãi đến Phú Yên khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.

Dự báo hướng đi của bão số 10. (Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia)

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 13h ngày 6/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-5m; biển động rất mạnh.

Vùng biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-4m, biển động rất mạnh.

Từ chiều tối và đêm nay (5/11), trên đất liền ven biển Nam Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Phú Yên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.

Từ nay đến ngày 6/11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt; ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt. Từ đêm nay (5/11) đến ngày 7/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.

Hoàng Mai