Giáo dục

Bạo lực học đường: Nhà trường cần xem lại chương trình giáo dục đạo đức

Các chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc của nhiều bên liên quan để bạo lực học đường không để lại hậu quả nghiêm trọng.

Thời gian gần đây, lại liên tiếp các vụ việc về tình trạng bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng diễn ra gây lo lắng đối với cha mẹ học sinh cũng như toàn xã hội. Thậm chí, tình trạng này lại thường xuyên xảy ra ở những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM,…với nhiều hình thức và lứa tuổi khác nhau.

Nói về vấn đề này Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhận định bạo lực học đường là câu chuyện không mới nhưng diễn ra âm ỉ, thường xuyên và đang theo chiều hướng gia tăng, phức tạp cả ở trong và ngoài nhà trường học khiến nó trở thành chủ đề được phụ huynh, nhà trường và xã hội quan tâm đang rất quan tâm.

“Bạo lực không chỉ diễn ra trong cuộc sống thực mà còn xuất hiện, bắt nguồn ở trên không gian mạng. Học sinh hiện nay rất dễ dàng tiếp cận những hình ảnh bạo lực, không phù hợp nhưng chúng ta lại thiếu hướng dẫn, định hướng và quản lý vấn đề này”, bà Hà bày tỏ.

 Đại biểu Nguyễn Thị Hà đánh giá bạo lực học đường vẫn luôn âm ỉ xảy ra.

Đại biểu Quốc hội cho rằng giải quyết bài toán này phải có sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và xã hội, tạo ra kiềng 3 chân phối hợp với nhau.

“Tuỳ vào từng địa phương, nhà trường, đối tượng học sinh để có những giải pháp sát thực nhất. Về phía ngành giáo dục phải xây dựng tuyên truyền, giáo dục một cách thiết thực, không nên lý thuyết suông mà phải trang bị cho các em biết thế nào là bạo lực học đường, cách phòng tránh, khi bị bạo lực xử lý như thế nào và báo cho ai”, bà Nguyễn Thị Hà đưa ra giải pháp.

Đặc biệt, cơ quan quản lý phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sát sao hơn đối với các em tránh việc xã hội thờ ơ, để nó manh nha đến khi xảy ra hậu quả thì không thể khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Nên thiết kế, xây dựng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh dưới nhiều hình thức khác nhau tránh sự khô khan, hình thức. Nhà quản lý giáo dục cũng cần định hướng cho nhà trường trong thực hiện giám sát, giáo dục và định hướng học sinh”.

TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT.

Cũng theo TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT nguyên nhân bạo lực học có phần lớn xuất phát từ hoàn cảnh gia đình tác động đến tâm lý học sinh, khiến các em các thấy bị bỏ rơi, stress,…

Giải quyết vấn đề này cần có thời gian dài và liên tục, chuyên gia đánh giá: “Các nhà trường cần xem lại chương trình giáo dục đạo đức hiện nay có còn thực tế, phù hợp hay không bởi giáo dục đạo đức không phải chỉ bằng lời nói trong sách giáo khoa mà còn là tấm gương của thầy cô, đảm bảo đối xử công bằng giữa các em”.

Cùng với đó là sự vào cuộc của cộng đồng và xã hội. “Nên xây dựng những đường dây nóng để hỗ trợ các em, ngăn chặn trước các trường hợp bạo lực học đường, xây dựng trường học thân thiện, tích cực. Bổ sung thêm biên chế giám thị trường học, người làm công tác giám sát, công tác tư vấn tâm lý, nghiên cứu, xây dựng các buổi sinh hoạt tăng cường tinh thần đoàn kết cho học sinh là những nội dung cần được quan tâm”, TS Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.

Trả lời chất vấn về bạo lực học đường chiều ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu thống kê từ 1/9/2021 đến 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan hơn 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh nữ, bình quân 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường.

Các diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp, số vụ có nhiều học sinh, nhất là nhiều học sinh nữ tham gia, xảy ra cả trong và ngoài trường học, khiến ngành giáo dục rất lo lắng, tìm mọi cách để cùng các địa phương xử lý.

Bộ trưởng đánh giá có nhiều nguyên nhân và trường học có trách nhiệm phát hiện, xử lý những tình huống bạo lực, nhưng giáo viên, hiệu trưởng khi phát hiện vụ việc còn lúng túng về kỹ năng xử lý. Thêm đó, qua quá trình dịch bệnh kéo dài, học sinh học online lâu dẫn đến vấn đề tâm lý. Tâm sinh lý của tuổi đang trưởng thành cũng là yếu tố góp phần.

Một nguyên nhân khác, ông Nguyễn Kim Sơn dẫn thống kê của Tòa án nhân dân tối cao về việc hằng năm có 220.000 vụ ly hôn, trong đó 70-80% có liên quan bạo lực gia đình. Học sinh trong các gia đình này có thể vừa chứng kiến bạo lực gia đình, vừa bị bạo lực, bỏ rơi. Môi trường như vậy dẫn đến tỉ lệ học sinh liên quan bạo lực học đường rất lớn.