Kinh tế vĩ mô

Bảo hiểm giá xăng dầu: Có giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động?

Thị trường nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam gần như đang thả nổi theo biến động của thế giới mà chưa có công cụ thực tiễn nào có thể hạn chế được những rủi ro về giá.

Trong bối cảnh các nền kinh tế đang tăng tốc mạnh mẽ, cộng thêm những bất ổn địa chính trị, giá xăng dầu đã từng tăng lên mức cao vượt xa mọi dự đoán trước đó. Mặc dù hiện tại, giá nhiên liệu có phần giảm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, viễn cảnh tăng giá vẫn đang ở trước mắt.

Đặc biệt, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và châu Âu đang đối mặt với mùa đông khắc nghiệt sắp tới, điều này khiến các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu càng làm giá dầu có nguy cơ tiếp tục gia tăng.

Trước diễn tiến thị trường xăng dầu quốc tế bất ổn gia tăng, giá trong nước sẽ có nhiều biến động do giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới bởi nguồn cung trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Thực tế, sau lần điều chỉnh giá ngày 5/9, lần đầu tiên trong lịch sử giá bán lẻ với dầu diesel lại đắt hơn giá xăng. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 366 đồng/lít, xuống 23.359 đồng/lít; xăng RON95 giảm 439 đồng/lít còn 24.230 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu tiếp tục đồng loạt tăng từ 1.389 - 1.429 đồng/lít, bán ra ở mức 25.188 - 25.445 đồng/lít, riêng diesel có giá 25.188 đồng/lít.

Cần công cụ bảo hiểm giá

Nhận định về vấn đề này, tại toạ đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do Báo Đầu Tư tổ chức sáng 8/9, ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết, về cơ bản, giá xăng dầu tại thị trường Việt Nam được điều chỉnh theo giá tham chiếu của Singapore.

Riêng về giá dầu, trong vòng 3 tháng trở lại đây, giá dầu đang ở trong một xu hướng giảm. Theo ông Dũng, giá dầu WTI và Brent đã giảm khoảng 25% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 6 và đang có dấu hiệu sẽ tiếp tục giảm thêm, sau khi dầu WTI đã ở dưới 90 USD/thùng và dầu Brent cũng chuẩn bị giảm dưới mốc này.

Từ đó, ông Dũng nhận định, từ nay đến cuối năm, giá dầu sẽ vẫn suy yếu nhưng không thể giảm quá nhiều.

“Khi giá thế giới giảm đến vùng 60 - 70 USD/thùng, các nước xuất khẩu dầu mỏ như nhóm OPE+, đặc biệt là Nga sẽ có những động thái cứng rắn để hỗ trợ giá. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn thu từ Nga chủ yếu đến từ dầu thô, nên giá dầu thấp sẽ tạo ra những căng thẳng địa chính trị và qua đó gián tiếp hỗ trợ giá không giảm sâu hơn. Theo tôi, giá dầu có thể sẽ ở vùng giá 60 – 90 USD/thùng trong quý IV năm nay”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, thị trường nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam gần như “đang thả nổi” theo biến động của thế giới mà chưa có công cụ thực tiễn nào có thể hạn chế được những rủi ro về giá.

Trên thế giới, các doanh nghiệp xăng dầu thường dùng các công cụ bảo hiểm giá, thông qua các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, để chốt giá nhập khẩu, xuất khẩu theo chu kỳ vài tháng, thậm chí vài năm. Điều này khiến giá đầu vào và đầu ra được ổn định và khi giá biến động, doanh nghiệp có nhiều “room” để điều tiết thị trường hơn.

“Vì thế, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ sớm đồng bộ các chính sách của các Bộ ban ngành, để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự tin sử dụng các công cụ bảo hiểm giá một cách hiệu quả. Với tư cách là hội viên của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp trong Hiệp hội có sự quan tâm rất lớn tới các công cụ bảo hiểm giá này, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt cơ chế để có thể thực hiện một cách hiệu quả”, ông chia sẻ.

Nghiên cứu thêm dư địa để tiếp tục giảm thuế

TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) cũng nhìn nhận, từ nay đến cuối năm có cả những yếu tố khiến giá dầu thế giới giảm, song cũng có những yếu tố khiến giá dầu thế giới tăng.

“Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể có thể thấy giá dầu thế giới có thể duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng nhẹ vào cuối năm. Đối với năm 2023, giá dầu dự báo sẽ giảm so với 2022, nhưng vẫn ở mức cao do nhu cầu của các nước hồi phục sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch”, ông Khôi nói.

Đối với thị trường trong nước, nhìn từ hình kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm, ông Khôi đánh giá kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. CPI tháng 8 tăng 3,6% so với cùng kỹ năm trước, tính chung 8 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỹ các năm 2018-202, giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng giảm nhẹ; đảm bảo nguồn cung điện, xăng dầu…

TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF).

Theo ông Khôi, bên cạnh việc chủ động phương án điều hành, tạo dư địa hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết thì cũng cần rất nhiều nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không đúng quy định.

Để giảm áp lực lạm phát do giá xăng dầu, ông Khôi cho rằng cần tính toán thêm các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước.

“Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường. Yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý”, ông nhấn mạnh.

Phó Giám đốc NCIF cũng lưu ý cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu, cả trong nước và nhập khẩu; điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, cần kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá để giảm thiểu tác động đến lạm phát khi triển khai Chương trình phục hồi kinh tế.