Môi trường

Báo động tình trạng ô nhiễm không khí

48,3% lượng bụi PM2.5 tại Hà Nội đến từ các hoạt động công nghiệp và làng nghề. Giao thông, bụi từ đốt rơm rạ của người dân cũng góp phần đáng kể khi chiếm 41,5%.

Sáng 1/12, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) phối hợp với Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET); Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP) và Tạp chí Tia Sáng tổ chức hội thảo “Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 và Ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong giám sát ô nhiễm và nghiên cứu”.

100% các tỉnh thành của Việt Nam chịu ô nhiễm bụi mịn

Theo báo cáo được Live & Learn xuất bản 10/2021, chất lượng không khí tại Việt Nam năm 2020 có phần cải thiện hơn so với 2019, tuy nhiên nhiều vùng và địa phương vẫn chịu ô nhiễm bụi PM2.5.

Bụi mịn PM2.5 là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc con người), được hình thành từ các chất như nitơ, carbon và các hợp chất kim loại khác.

Khi nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí ở ngoài trời tăng lên thì sẽ làm cho không khí bị mờ đi trông giống như sương mù. Với kích cỡ nhỏ như vậy, bụi mịn PM2.5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp và gây nên hàng loạt các bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư, xơ gan, tiểu đường....

Thường xuyên tiếp xúc với bụi mịn sẽ làm giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim ở người bệnh.

Bụi PM2.5 là tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khoẻ 

Nồng độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 trong không khí ở mức chấp nhận được, theo khuyến nghị của của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021 là 5 µg/m3. Nếu so sánh theo tiêu chuẩn của WHO, tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong giai đoạn 2019 – 2020 đều vượt nhiều lần mức khuyến nghị này.

Tính riêng năm 2020, 10/63 tỉnh thành của Việt Nam có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia. Hầu hết đều thuộc các địa phương phía Bắc có nền kinh tế và công nghiệp phát triển như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc. 

Địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai vẫn có nhiều khu vực địa phương đang chịu ô nhiễm bụi PM2.5. 

Hà Nội là thành phố đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 cao nhất với 29/30 quận huyện có nồng độ trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Tại Tp.Hồ Chí Minh, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm đứng thứ 11 trong xếp hạng toàn quốc, thấp hơn giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT và giảm 13% so với nồng độ trung bình năm 2019. 12/24 quận huyện có nồng độ trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Năm 2020, giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 trên diện rộng tại nhiều địa phương đã góp phần cải thiện chất lượng không khí.

48,3% lượng bụi PM2.5 tại Hà Nội đến từ các hoạt động công nghiệp và làng nghề

Tiến sĩ Falguni Patadia, Trưởng nhóm Chất lượng Không khí và Quản lý Danh mục dự án của Nhóm Khoa học Ứng dụng trong dự án NASA SERVIR cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí toàn cầu. Trong đó, có các nguyên nhân đến từ tự nhiên như cháy rừng, hoạt động của núi lửa, khí thải sinh học…nhưng phần lớn là do các hoạt động của con người gây ra.  

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh, giảng viên cao cấp tại Viện Công nghệ châu Á, 48,3% lượng bụi PM2.5 tại Hà Nội đến từ các hoạt động công nghiệp và làng nghề. Lượng bụi giao thông và các hành vi đốt rơm rạ của người dân cũng góp phần đáng kể khi chiếm tới 41,5%.

48,3% lượng bụi PM2.5 tại Hà Nội đến từ các hoạt động công nghiệp và làng nghề

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, các nghiên cứu đều chỉ ra nguồn thải bụi PM2.5 chiếm tỉ lệ cao là giao thông và hoạt động công nghiệp.

Theo kết quả kiểm kê năm 2018, đóng góp chính cho ô nhiễm PM2.5 lần lượt là giao thông đường bộ, hoạt động công nghiệp, đun nấu dân sinh và đun nấu thương mại (tỷ lệ tương ứng là 58,2%, 22,8%, 12,8%).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Đại học Quốc gia TP.HCM

Theo chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) năm 2020 của Đại học Yale, phơi nhiễm với ô nhiễm không khí ở Việt Nam xếp hạng 115 trên tổng số 180 quốc gia. Trên bảng xếp hạng IQir/AirVisual, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 của Việt Nam theo trọng số dân số cao thứ 21 trong danh sách 106 nước.

Ứng dụng tiếp cận đa nguồn và dữ liệu từ vệ tinh vào giám sát chất lượng không khí

Trước đây, hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam được nghiên cứu và công bố trong các báo cáo định kỳ của cơ quan quản lý nhà nước cũng như một số tổ chức xã hội. Tuy nhiên, các báo cáo và nghiên cứu này còn nhiều hạn chế về nguồn dữ liệu, chưa khai thác các nguồn dữ liệu mở (như vệ tinh và các mạng lưới thiết bị cảm biến). Và dữ liệu quan trắc bụi PM2.5 từ mạng lưới quan trắc quốc gia thường không liên tục và không đầy đủ cho 63 tỉnh/thành trên cả nước, ngay cả ở Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, một số báo cáo quốc tế đã và đang sử dụng các nguồn dữ liệu mở và chỉ ra tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5 đáng báo động tại Việt Nam.

Hội thảo đưa ra nhiều khuyến nghị để phát triển chất lượng không khí, giảm ô nhiễm bụi PM2.5 tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ứng dụng tiếp cận đa nguồn và dữ liệu mô hình tính toán từ ảnh vệ tinh trong giám sát chất lượng không khí nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng môi trường không khí ở cấp quốc gia, vùng miền và tỉnh, thành. Việc này sẽ khắc phục tình trạng thiếu trạm quan trắc tiêu chuẩn và trạm cảm biến ở một số khu vực

Căn cứ vào những dữ liệu được vệ tinh thu thập có thể dễ dàng lập ra bản đồ phân bố không gian nồng độ bụi PM2.5. Đây là cơ sở quan trọng nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đưa ra các ưu tiên, mục tiêu cụ thể và giải pháp quản lý chất lượng không khí phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Hà Nội chìm trong ô nhiễm không khí ngày 26/10 (Ảnh: Hữu Thắng)

Đẩy mạnh các nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân phát thải chính, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố đang bị ô nhiễm, từ đó có chính sách phù hợp và hiệu quả trong việc kiểm soát. Cần kết hợp các công cụ kiểm kê phát thải và các mô hình lan truyền hóa học để xác định được cả lượng phát thải bụi PM2.5 sơ cấp, các tiền chất như NOx, SOx và VOC, và bụi PM2.5 thứ cấp.

Tăng cường mạng lưới trạm quan trắc chất lượng không khí theo tiêu chuẩn của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố có ô nhiễm không khí. Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu (theo thời gian thực, dữ liệu lịch sử), bao gồm cả các thông tin đảm bảo, kiểm soát chất lượng tại các trạm, nhằm hỗ trợ các nghiên cứu khoa học và giáo dục - truyền thông về ô nhiễm không khí.

Các ứng dụng công nghệ (thiết bị cảm biến, kỹ thuật viễn thám) trong quan trắc chất lượng không khí đã được sử dụng ở rất nhiều quốc gia. Do đó, Việt Nam thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quan trắc bụi PM2.5 và các chất ô nhiễm không khí khác.