Tiêu điểm thế giới

"Báo động đỏ" chiến dịch Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria: Nga bên ngoài bình thản, bên trong lòng như "lửa đốt"?

Nga đang thúc đẩy chính quyền Damascus giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn Syria và tìm giải pháp chính trị cho cuộc chiến đang diễn ra. Nhưng sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một trở ngại tạm thời cho lợi ích của Nga.

Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria không có lợi cho Nga.

Hợp tác chặt chẽ

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không công khai lên án chiến dịch "Mùa Xuân hòa bình" của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông bắc Syria - nhưng rõ ràng ông không thể hài lòng về cuộc tấn công.

Theo tuyên bố của Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã "kêu gọi đối tác Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc hành động một cách cẩn trọng, để không làm tổn hại đến những nỗ lực chung nhằm điều phối cuộc khủng hoảng Syria".

Nga cũng lặp lại lời kêu gọi "toàn vẹn lãnh thổ" và chủ quyền của Syria, điều mà cả hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin dường như cũng đã thảo luận trong cuộc điện đàm trước đó.

Tuy nhiên, đối với các nhà quan sát ở Moscow, hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ gây hại đối với lợi ích của Nga hơn nhiều so với những gì Điện Kremlin lo ngại trong các tuyên bố chính thức.

Nhận định vời tờ DW, chuyên gia về Trung Đông Vyacheslav Matusov cho rằng, "cuộc tiến công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không phải là mối quan tâm của Nga, bởi vì Nga tin rằng Chính phủ Syria nên là người tự quản lý lãnh thổ Syria".

Tuy nhiên, cho đến lúc này, Nga buộc phải bước vào can thiệp trước bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn rủi ro có thể xảy đến trong tương lai.

Nga đã tham gia vào cuộc chiến năm 2015 để ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad.

Ông Putin đã nhấn mạnh rằng bất kỳ lực lượng nào không được Chính phủ Assad mời đến giúp đỡ về cơ bản là những người chiếm đóng bất hợp pháp và nên rời khỏi đất nước.

Lời ám chỉ của Tổng thống Nga chắc chắn nhắm đến Mỹ - nhưng có lẽ cũng là thông điệp dành cho lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng các quan chức Nga cũng đã nhiều lần tán đồng mối quan ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ trong hoạt động chống lại lực lượng người Kurd.

Vì sao tuyên bố của Nga mâu thuẫn như vậy? Giới quan sát cho rằng, đó là bởi vì chúng thể hiện hành động cân bằng ngoại giao hiện tại của Nga đối với hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ, khi nước này nỗ lực tự đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột phức tạp này.

Trợ lý Điện Kremlin Yuri Ushakov, phát biểu tại Riyadh khi ông Putin có chuyến thăm chính thức tới Saudi Arabia nói rằng, Nga muốn Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo cuộc tấn công quân sự ở miền Bắc Syria tương xứng với tình hình.

"Hoạt động này đặt Nga vào một vị thế rất khó chịu", Alexander Golz, một chuyên gia quân sự độc lập của Nga giải thích. "Nga phải điều động để không hủy hoại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, không hủy hoại quan hệ với người Kurd và giữ mối quan hệ với chính quyền Assad”.

Trong khi cái kết mà Nga nhắm tới ở Syria là đưa lại toàn bộ lãnh thổ Syria cho Chính phủ ở Damascus, Nga cũng đã nỗ lực để giữ Thổ Nhĩ Kỳ ở bên mình, với những lời hoa mỹ được soạn thảo cẩn thận.

Tìm sự cân bằng

Hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây khó chịu cho Nga, nhưng nó cũng mang đến cho nước này cơ hội thành công mới với vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Syria, đặc biệt là khi Mỹ báo hiệu có thể sẽ tiến tới rút quân hoàn toàn khỏi nước này.

Cuối tuần qua, lực lượng người Kurd đã ký thỏa thuận với lực lượng Chính phủ Syria để chống lại cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, về cơ bản bàn giao quyền kiểm soát một số thị trấn biên giới trong khu vực cho lực lượng Syria do Nga hậu thuẫn. Thỏa thuận được cho là đến từ sự môi giới của Nga.

Nga muốn nhìn thấy Mỹ rút hoàn toàn khỏi Syria.

Người Kurd trước đây tìm đến Mỹ, nhưng với "mối đe dọa tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd hiện đang tìm đến Damascus", nhà phân tích Vyacheslav Matusov nói với DW.

Chuyên gia về Trung Đông Andrei Ontikov đồng ý rằng, Nga muốn nhìn thấy Mỹ rời khỏi cuộc xung đột Syria trong dài hạn. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng không hẳn đồng nhất với nhau ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đối tác đàm phán dễ chịu hơn nhiều so với Mỹ.

"Nếu phải lựa chọn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, chúng tôi (Nga) sẽ chọn Thổ Nhĩ Kỳ. Và chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đưa Mỹ ra khỏi lãnh thổ Syria", ông Onikov nói với DW. Về cơ bản, có một triển vọng "đối thoại mang tính xây dựng" về Syria với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Nga "không có kiểu đối thoại đó với người Mỹ".

Giữ an toàn

Mặc dù Moscow có thể ứng phó với hoạt động quân sự chống lại lực lượng người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông bắc Syria như một bài tập ngoại giao khéo léo, cuộc tấn công này không phải là một trò chơi đơn giản đối với Nga.

Cuộc tấn công có thể đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia của Nga - và không chỉ bởi nó đe dọa đến đất nước Syria do Tổng thống Assad lãnh đạo trong tương lai mà còn đe dọa đối với việc Nga giữ được chỗ đứng quân sự lâu dài ở Trung Đông.

Nga coi khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các phần tử liên quan thừa cơ trốn thoát trong lúc chiến dịch Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành là một nguy cơ an ninh quốc gia nghiêm trọng.

Tuần trước, ông Putin đã cảnh báo tại một hội nghị thượng đỉnh của các cựu lãnh đạo Liên Xô rằng, với chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, các chiến binh IS đã trốn thoát khỏi các cơ sở trước đây do lực lượng dân quân người Kurd kiểm soát.

"Bây giờ các phần tử IS có thể chạy trốn và tôi không chắc liệu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể kiểm soát được tình hình nhanh như thế nào", Tổng thống Nga nói. "Đó là một mối đe dọa thực sự đối với chúng tôi", ông nói với các nhà lãnh đạo khác, kêu gọi các các nước hợp tác.

"Chúng tôi cần Syria bình yên để nó không phải là nguồn bất ổn liên tục có thể ảnh hưởng đến tình hình ở Trung Đông - ở Trung Á và Kavkaz", chuyên gia Onikov giải thích. "Nếu mọi thứ yên tĩnh ở đó, sẽ không có mối đe dọa từ miền Nam đối với Nga".