Xã hội

Bão Côn Sơn tiến gần bờ, lo ngại ngập lụt tại 40 huyện

Bão Côn Sơn- cơn bão số 5 - có quỹ đạo phức tạp, đổ bộ vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường tại nhiều địa phương.

Chiều 11/9, tại cuộc họp ứng phó với bão Côn Sơn và mưa lũ, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, vào hồi 13h vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 130-140km về phía Đông, sức gió cấp 9, giật cấp 11. Dự báo 6- 12h tới di chuyển theo hướng Tây với tốc độ chậm.

Theo ông Khiêm, tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Đặc biệt, tại khu vực đất liền như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã có gió giật cấp 5, cấp 6 và mưa rất to.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. (Ảnh: Tiền Phong)

Đáng chú ý, dù bão Côn Sơn di chuyển chậm song lại mang theo khối mây lớn gây mưa to cho đất liền. Cụ thể từ nay đến ngày 13/9, ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Quảng Nam phổ biến 200-300mm, có nơi trên 350mm, Quảng Ngãi phổ biến 100-200mm, có nơi trên 200mm.

Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt. Từ nay đến ngày 12/9, các tỉnh Bình Định, Kon Tum và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm/24 giờ, có nơi trên 100mm/24 giờ.

Do đó, cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ ngập lụt tại 40 huyện trong vùng ảnh hưởng bão từ Hà Tĩnh tới Quảng Ngãi. Ngoài ra, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét sạt lở đất tại các huyện vùng núi của Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đánh giá, việc chống bão lần này rất đặc biệt bởi các địa phương phải chống bão trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Minh cho biết, đến thời điểm này, Đã Nẵng đã gọi được tất cả tàu thuyền vào cảng Thọ Quang (đang đóng chống dịch Covid-19), với 849 người và bố trí tổ chức một khu vực riêng. Thành phố cho xét nghiệm Covid-19 và khi có lệnh sẽ thực hiện di chuyển lên bờ an toàn. Đà Nẵng chuẩn bị phương án đưa 39.000 người dân ở vùng có nguy cơ sạt lỡ, ngập lụt đến khu vực an toàn.

Tại các tỉnh Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, lãnh đạo các địa phương cho biết, từ sáng và trưa ngày 11/9, đã bắt đầu có mưa to trên diện rộng. Các địa phương này đã sớm chuẩn bị phương án phòng chống bão, trong đó xây dựng các phương án di dân như Thừa Thiên- Huế 69.366 người, Quảng Trị 67.100 người; Quảng Nam 172.373 người; Quảng Ngãi 24.442 người.

Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh, việc di dân gặp một số khó khăn nhất định. Hiện tại 3 tỉnh (Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi), có 2.031 ca F0 nằm trong diện ảnh hưởng của bão.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, khả năng vào sáng ngày 12/9, bão sẽ đổ bộ vào đất liền. Cơn bão số 5 di chuyển chậm, có lượng mưa rất lớn nên dễ xảy ra tình trạng ngập lụt lớn.

Theo Thứ trưởng Hiệp, việc bão số 5 đổ bộ vào khu vực "vùng đỏ" là thách thức rất lớn đối với các địa phương. Chính vì vậy, các địa phương phải chỉ đạo phòng chống quyết liệt hơn, xây dựng các kịch bản chi tiết hơn.

Thứ trưởng Hiệp đề nghị, trong bối cảnh dịch bệnh, các địa phương hạn chế tối đa di dân khi chưa cần thiết, trong trường hợp bắt buộc di dân, thì di dân tại chỗ là phương án tốt nhất.

“Dự báo tối nay (11/9) bão đã ảnh hưởng tới đất liền, các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm Covid-19 cho các thuyền viên và người lao động khi vào bờ tránh bão; đảm bảo chỗ ăn nghỉ, cách ly an toàn cho lực lượng này. Tuyệt đối không được để người dân ở lại lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trên biển”, Thứ trưởng Hiệp nói.

Bên cạnh đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia liên tục cập nhật tin bão và tình hình mưa lũ chính xác, ông Hiệp cũng yêu cầu các địa phương chủ động rà soát lại các khu vực có nguy cơ ngập lụt, thông báo kịp thời mực nước dâng để người dân có phương án phòng ngừa, tránh thiệt hại tính mạng, tài sản.

Liên quan đến công tác ứng phó với mưa lũ, Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng đã triển khai sẵn sàng ứng phó trên các địa bàn trọng điểm bão Côn Sơn sẽ đổ bộ.

Hiện nay, quân đội sẵn sàng huy động hơn 530.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ; hơn 3.400 phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống, đặc biệt sẵn sàng 15 máy bay, 105 tàu, hơn 1.000 xuồng các loại, 160 xe đặc chủng để sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn mọi tình huống. Riêng địa bàn Quân khu 4 và Quân khu 5, Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị hơn 200 lượt cán bộ chiến sĩ với hơn 2.000 lượt phương tiện sẵn sàng tham gia các tình huống.

Minh Hoa (t/h theo Tiền Phong, Báo Giao Thông)