Thể thao

Báo chí Hàn Quốc nói gì về làn sóng xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam

Thông tin có tới 3 cầu thủ của đội tuyển Việt Nam đầu quân sang các CLB nước ngoài để thử sức ở những môi trường mới đã thu hút sự quan tâm của báo chí Hàn Quốc.

Bóng đá Việt Nam đang chứng kiến làn sóng xuất ngoại mạnh mẽ của các cầu thủ sau năm 2018 và đầu năm 2019 thành công ở hầu hết các giải châu lục. Sau khi Văn Lâm chính thức gia nhập Muangthong United (Thái Lan), đến lượt Công Phượng đạt thỏa thuận gia nhập Incheon United (Hàn Quốc), hay mới đây nhất, Xuân Trường cũng được cho là cũng chuẩn bị chơi cho Buriram United theo hợp đồng cho mượn một mùa từ HAGL. Làn sóng xuất ngoại của các cầu thủ Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của báo chí Hàn Quốc

Theo Zing.vn, trên trang Yonhap News của xứ sở kim chi mới đây vừa đưa tin về việc Lương Xuân Trường, tiền vệ của CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chuẩn bị gia nhập Buriram United, nhà đương kim vô địch của Thai League.

Truyền thông Hàn Quốc quan tâm tới các vụ chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam.

Tờ Joongang Ilbo bình luận: "Mặc dù là cầu thủ tốt nhất của HAGL, thành viên chủ chốt của đội tuyển quốc gia, Xuân Trường vẫn quyết định sang nước ngoài thi đấu trong 1 năm để bước vào cuộc thử thách ở sân chơi lớn hơn là AFC Champions League".

"Buriram United là đội bóng uy tín, đại diện cho Thai League tham dự sân chơi cao nhất châu lục dành cho các CLB. Tại AFC Champions League mùa này, họ nằm ở bảng G cùng với các đại diện Jeonbuk Hyundai (Hàn Quốc), Beijing Guoan (Trung Quốc) và Urawa Reds (Nhật Bản)", trang này viết.

Theo phân tích của Joongang Ilbo, từ thành công của chiến dịch AFF Cup vào cuối năm ngoái, những cầu thủ trẻ dưới thời HLV Park chứng minh được khả năng cạnh tranh tại vòng chung kết Asian Cup 2019 và đang bắt đầu thâm nhập vào thị trường chuyển nhượng nước ngoài một cách nghiêm túc.

"Làm theo lời hướng dẫn của HLV, các cầu thủ mạnh dạn thử thách mình ở những sân khấu quốc tế để thể hiện khả năng và bồi đắp kinh nghiệm chơi bóng", tác giả nhận định.

Ngoài Xuân Trường, tờ báo của Hàn Quốc cũng đề cập tới một cái tên khác cũng vừa chuyển sang chơi bóng ở Thái Lan, đó là thủ thành Đặng Văn Lâm - tân binh của CLB Muangthong United. Joongang Ilbo gọi anh với biệt danh là "Lev Yashin của Việt Nam".

Tờ báo chia sẻ: "Ngoài Buriram, Muangthong cũng là CLB danh tiếng của xứ sở chùa vàng nhưng không thể đảm bảo suất dự AFC Champions League ở mùa trước. Đội bóng này phát hiện ra vấn đề nằm ở hàng thủ và kịp thời chiêu mộ một chốt chặn mới để củng cố sức mạnh trước khung thành".

"Cùng với đó, tiền đạo Nguyễn Công Phượng (24 tuổi) - Messi của Đông Nam Á gia nhập đội bóng của K.League là Incheon United cũng với thời hạn 1 năm giống Xuân Trường.

Các cầu thủ Việt Nam được khuyến khích ra nước ngoài thi đấu để phát triển bản thân.

Những ngôi sao khác là Nguyễn Quang Hải (22 tuổi) đang đứng trước cơ hội sang châu Âu chơi bóng cho các đội như CLB Primera Division hay Deportivo Alaves ở Tây Ban Nha. Đoàn Văn Hậu (20 tuổi) cũng đang xem xét khả năng sang Hàn Quốc hoặc Nhật Bản", Joongang Ilbo liệt kê.

Bên cạnh những bình luận của báo chí Hàn Quốc, VTC News đưa tin, bóng đá Việt Nam không có nhiều tuyển thủ quốc tế - những người sẵn sàng rời giải đấu nước mình để chơi bóng tại các giải đấu ở những nước có nền bóng đá phát triển hơn. Làn sóng xuất ngoại từng xuất hiện trong quá khứ, nhưng rời rạc, lẻ tẻ và chỉ sống động trở lại khi tuyển Việt Nam có thành tích cao.

Theo BLV Quang Huy, cầu thủ Việt Nam muốn chơi tốt ở nước ngoài, tất nhiên phải có trình độ chuyên môn vững và không ngừng rèn luyện. Dù vậy, CLB cần chuẩn bị cho cầu thủ một ê kíp ăn ý để đẩy nhanh quá trình hòa nhập, đồng thời hỗ trợ cầu thủ trong cả cuộc sống ngoài bóng đá nơi "đất khách quê người".

"Muốn cầu thủ chơi tốt ở các CLB tại Hàn Quốc, Nhật Bản, các CLB Việt Nam hay người đại diện phải bố trí một đội ngũ đi cùng, giúp cầu thủ không bị sốc văn hóa. Chanathip Songkrasin hay Teerasil Dangda (Thái Lan) khi sang Nhật Bản đá cũng phải có ba, bốn người đi theo. Nhiều cầu thủ ít tuổi còn có bố mẹ đi cùng.

Các cầu thủ trẻ khi phải đơn độc ở nước ngoài khó tránh khỏi cảm giác bị sốc, không hòa nhập được. Có những người biết ngoại ngữ, thạo văn hóa bản địa ở cùng vẫn tốt hơn, cộng với người định hướng truyền thông giúp đỡ. Cầu thủ có buồn chán, lên mạng than thở có khi cũng khác nếu được định hướng tốt, không chỉ về mặt phát ngôn, mà còn là cảm xúc, cách ứng xử.

Nhìn chung, cầu thủ hiện tại bài bản hơn, song muốn hòa nhập tốt vẫn cần một đội ngũ đi cùng.Chỉ cần có sự chuẩn bị tốt, mang đi hành trang tốt, cầu thủ Việt Nam sẽ trụ được" - BLV Quang Huy phân tích.

Phong Linh (tổng hợp)