Tiêu điểm thế giới

Bánh tổ Tết Nguyên Đán và chuyện Ngũ Tử Tư cứu đói dân lành

Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc nổi bật với nhiều truyền thống, phong tục độc đáo và ẩm thực cũng không ngoại lệ.

Bánh củ cải.

Năm mới, người Trung Quốc thường ăn sủi cảo, mì trường thọ với ý nghĩa rước lộc, may mắn, tượng trưng cho sức khỏe và sống thọ. Nhưng có hai món ăn mang lại may mắn và thịnh vượng ít được nhắc đến đó là bánh củ cải và bánh tổ, với câu chuyện về Ngũ Tử Tư thời Xuân Thu và thần thoại liên quan đến quái vật Niên ăn thịt người.

Bánh củ cải

Đối với thực khách quốc tế, nhiều người vẫn tưởng, loại bánh này làm từ củ cải Turnip, nhưng thực tế không phải vậy. Bánh củ cải làm từ củ cải trắng và được nhiều người biết đến với tên tiếng Nhật là Daikon.

Theo Lau Chi-Man, đầu bếp trưởng của nhà hàng sao Michelin Duddell's ở Hong Kong (Trung Quốc), tên tiếng Anh của món ăn này bị nhầm thành củ cải Turnip vì trước đây, củ cải trắng là loại thực phẩm hiếm thấy bên ngoài châu Á.

Người Trung Quốc có truyền thống ăn bánh củ cải vào dịp lễ, tết. Nhưng, nó gắn liền với Tết Nguyên đán như thế nào vẫn còn là câu hỏi mà cho đến nay có ít lời giải đáp.

“Có nhiều câu chuyện khác nhau về nguồn gốc bánh củ cải. Một số người nói rằng nó bắt nguồn từ những người nghèo ở vùng Quảng Đông. Củ cải trắng rất rẻ và phát triển tốt trong thời tiết lạnh. Vì vậy, nó bắt đầu được sử dụng phổ biến để làm bánh trong dịp Tết Nguyên đán”, Tse Sun Fuk, đầu bếp trưởng tại Ming Court, một nhà hàng Quảng Đông đạt sao Michelin ở Hong Kong nói với SCMP.

Duddell's mỗi năm đều làm món bánh củ cải đặc trưng của nhà hàng. Nó được làm từ củ cải Trung Quốc, lạp xưởng, thịt quay, nấm, tôm khô và sò điệp khô. Đây là một công thức cổ điển được nhiều người yêu thích. Trong khi công thức của nhà hàng Ming Court ngoài củ cải có thêm lạp xưởng, thịt muối, sò điệp khô và bào ngư.

Đầu tiên, chiếc bánh được hấp và thường được cắt thành từng miếng sau đó đem chiên, tạo nên lớp vỏ cứng bên ngoài, mềm bên trong. Dù là món truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán, bánh củ cải vẫn được ăn quanh năm và là món dim sum phổ biến trong các nhà hàng Quảng Đông.

Bánh tổ

Bánh tổ.

Bánh tổ (hay còn gọi là bánh niên cao) mang ý nghĩa là “tăng lên hàng năm”, tượng trưng cho sự thăng tiến của địa vị, tiền bạc và con cái. Bánh của người Quảng Đông thường có màu đỏ vàng và tượng trưng cho sự may mắn.

Ăn bánh tổ vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán là truyền thống lịch sử hơn 1.000 năm. Cũng như bánh củ cải, bánh tổ cũng được mọi người ăn trong nhiều dịp quan trọng trong năm.

Tại nhà hàng Duddell's, bánh tổ thường được làm bằng bột gạo, bột nếp, bột ngô, nước cốt dừa và đường dừa; quả chà là đỏ và hạt ô liu được phủ bên ngoài. Chất lượng nước cốt dừa là yếu tố đặc biệt tạo nên một chiếc bánh ngon.

Một số phiên bản làm tại nhà có thể biến tấu với các thành phần khác nhau, chẳng hạn như cho thêm các loại hạt cắt nhỏ và hạt mè đen, trắng để thêm hương vị mới cho khẩu vị của thực khách hiện đại.

Và giai thoại thú vị

Câu chuyện về bánh niên cao cũng gắn liền với nhiều truyền thuyết lịch sử. Loại bánh này được cho là đã đóng vai trò quan trọng ở thời Xuân Thu vào khoảng năm 482 TCN. Truyện kể về nước Ngô ở Tô Châu đắm chìm trong hỗn loạn chiến tranh. Tướng quốc nước Ngô là Ngũ Tử Tư đã bí mật cho xây một phần bức tường thành chống giặc bằng loại gạch làm từ bột gạo nếp.

Sau đó, Ngũ Tử Tư nói với thuộc cấp rằng trong trường hợp khó khăn nhất, hãy bảo người dân đào xuống dưới bức tường. Sau cuộc giao tranh ác liệt khiến Ngũ Tử Tư qua đời, một người lính đã nhớ lại câu chuyện và đào bức tường thành, tìm tháy những viên gạch lương thực, thứ đã cứu người dân khỏi nạn đói.

Hình tượng quái vật Niên trong truyền thuyết Trung Quốc.

Về sau này, làm bánh và ăn bánh tổ được cho là đã trở thành một nghi thức năm mới để tưởng nhớ Ngô quốc. Ngoài ra, một giai thoại khác cũng cho rằng bánh tổ dâng lên Táo quân sẽ khiến vị thần này bị dính miệng vì bột gạo nếp, không thể báo cáo những điều tiêu cực của gia chủ với Ngọc Hoàng vào năm mới.

Một câu chuyện về nguồn gốc khác của bánh tổ liên quan đến một con quái vật ăn thịt người trong truyền thuyết. Ngày xửa ngày xưa, có một con quái vật tên là Nian (Niên). Bình thường, nó chỉ săn bắt các loại động vật làm thức ăn, nhưng vào mùa đông nó sẽ chuyển sang săn người. Do đó, một bộ tộc tên là Gao (Cao) sẽ chuẩn bị rất nhiều bánh tổ dâng cho con quái vật để cứu người dân. Tục làm bánh lưu truyền mãi về sau này và trở thành một truyền thống trong năm mới.

Quái vật Niên cũng gắn liền nguồn gốc Tết Nguyên đán của Trung Quốc. Niên có nghĩa là "năm" trong tiếng Trung Quốc. Người ta nói rằng Niên ẩn náu trên núi và xuất hiện mỗi năm một lần vào mùa đông để ăn thịt người. Các gia đình sẽ tụ tập vào đêm trước khi Niên đến, thức cả đêm để chờ mối đe dọa qua đi. Sau này, nó trở thành đêm giao thừa, khi nhiều gia đình hiện đại vẫn thức cùng nhau suốt đêm chờ năm mới.

Ngoài ra, có truyền thuyết cho rằng một đầu bếp lâu đời đã đặc biệt làm món này cho con mình để mong đứa con thêm cao lớn trong năm mới. Những câu chuyện truyền kỳ khác nhau về các món ăn trong Tết Nguyên đán đã tạo nên sự thú vị trong văn hóa ẩm thực lâu đời của Trung Quốc.