Xi nhan Trái Phải

Bằng "dỏm" và... xe “điên”

Các vụ xe “điên” xảy ra liên tiếp gần đây đã dấy lên một hồi chuông báo động về việc đào tạo và sát hạch lái xe ô tô hiện nay.

Hãy làm một động tác so sánh.
Ở Hà Lan chẳng hạn, có nhiều người rất hay đi xe đạp. Lý do không hoàn toàn là vì họ thích một cuộc sống xanh, thân thiện với môi trường. Mà còn có 2 lý do khác nữa: một là tiền “nuôi” xe đắt đỏ với nhiều loại phí, và hai là lấy bằng lái xe ở Hà Lan không phải chuyện dễ. Yan - đồng nghiệp của tôi, người đã sống ở thành phố Rotterdam hơn 10 năm, đã nói với tôi rằng cô “vẫn chưa đủ tự tin để đi thi lấy bằng lái”.

Còn ở Việt Nam, dường như chúng ta có một cơ chế dễ hơn nhiều. Năm ngoái, tôi đăng ký học lái xe ở một trung tâm chính quy của nhà nước. Học viên, sau khi nộp tiền, được phân cho các giáo viên chịu trách nhiệm đào tạo. Mỗi buổi học, học viên sẽ tự liên hệ với giáo viên về thời gian, và sau khoảng 5 buổi học thực hành như thế, học viên sẽ tập thêm một vài buổi ở sa hình trong trường rồi sau đó đi thi. Lý thuyết thì về nhà tự học. Nói tóm lại, học viên chỉ được ngồi trên xe cỡ 10 tiếng để thực hành tất cả những kỹ năng mình cần biết trước khi thi và lý thuyết thì không được học.

Lấy thực tế này so sánh với quy định về đào tạo bằng lái xe hạng B2 của Bộ Giao thông vận tải, sẽ thấy độ “vênh” rất lớn. Theo quy định, học viên phải học tổng cộng 588 giờ bao gồm 168 giờ học lý thuyết và 420 giờ thực hành lái xe. Nhưng đó chưa phải là điều đáng ngạc nhiên nhất. Điều tôi muốn nói, là chỉ với số giờ học ít ỏi ấy, tôi cũng như nhiều thí sinh khác vẫn vượt qua kỳ thi sát hạch lái xe một cách dễ dàng.
Lập luận như vậy, tôi tự đưa mình tới một kết luận không thể khác rằng, chúng ta đang có những đề thi sát hạch lái xe quá dễ dàng để vượt qua!

Thành thực mà nói, sau khi đã có bằng lái xe trong tay, tôi vẫn chưa đủ tự tin để cầm lái trên đường phố Hà Nội. Các ông thầy chỉ dạy chúng tôi những gì sẽ thi trong trường mà quên mất rằng, sau khi có bằng lái, những học viên này sẽ ra ngoài đường và điều khiển một phương tiện có tính sát thương cao.

Về bản chất, bằng lái là một thứ xác nhận rằng người sở hữu có đủ các kỹ năng điều khiển phương tiện một cách an toàn. Bằng cấp chỉ có tác dụng khi những yêu cầu đặt ra để có bằng phải cao hơn cái mà thực tế cần. Một hệ thống cấp bằng tốt, phải là một hệ thống cung cấp cho người học được những kỹ năng như thế. Còn một hệ thống kém sẽ đào tạo ra những người có bằng nhưng chưa đủ kỹ năng lái xe thực tế.

Chuyện bằng cấp và năng lực không tương xứng với nhau thực ra không chỉ xảy ra trong chuyện lái xe. Các sinh viên tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân trong tay nhưng không thể đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động cũng thuộc dạng này. Tuy nhiên, một cử nhân có trình độ kém, thông thường sẽ chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế, nói nôm na là làm hỏng việc. Nhưng việc một người có kỹ năng lái xe kém thì sẽ có nguy cơ cao làm mất mạng hoặc gây tàn phế cho chính mình và nhiều người khác.

Nhìn vào các con số thống kê, dễ dàng thấy rằng nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông ở Việt Nam do rượu bia chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, những tai nạn gần đây cho thấy một nguyên nhân khác không xuất phát từ rượu bia mà là từ kỹ năng xử lý tình huống kém. Biểu hiện rõ nhất là càng ngày càng có nhiều vụ tai nạn từ những chiếc xe “điên”. Lý do là vì khi xe số tự động đã trở lên phổ biến tại Việt Nam, người lái sẽ có khả năng bị nhầm giữa chân phanh và chân ga khiến xe lao liên tiếp vào nhiều người.

Vụ tai nạn gần đây là vào ngày 9/4 tại gầm cầu vượt Mai Dịch – Hà Nội, khi một nữ tài xế điều khiển ô tô lao liên tiếp vào người đi xe máy khiến 4 người bị thương nặng. Việc nhầm lẫn này, trước hết là do ý thức kém khi người lái đã không giảm tốc độ khi tới ngã tư, và tiếp theo là không đủ kỹ năng để xử lý tình huống bất ngờ.

Ô tô tự giác dừng đèn đỏ ngay cả khi đường vắng (thành phố Utrecht - Hà Lan)


Một buổi sáng tại Hà Lan, tôi ngồi sau tay lái của Penelop - cô gái đã có kinh nghiệm lái xe nhiều năm. Buổi sáng ở thành phố Rotterdam, đường phố khá vắng vẻ và lúc đó cũng đã muộn giờ làm nhưng Penelop vẫn lái xe chậm rãi. Tới mỗi ngã tư cô đều giảm ga, dừng hẳn nếu thấy có người đi xe đạp, và vẫy tay ra hiệu để nhường đường. Suốt quãng đường, Penelop không kéo còi dù chỉ một lần.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhớ về buổi sáng hôm ấy, ngồi trong xe với một cô gái đẹp vào một ngày mùa đông lạnh lẽo và được một bài học vỡ lòng về ý thức và kỹ năng lái xe theo cách an toàn và văn minh.

Nguyễn Vương