Tiêu điểm thế giới

Bán xong S-400, Nga "ngư ông đắc lợi": Giờ là lúc giải quyết "món nợ" của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria?

Sau khi bán hệ thống phòng không S-400 trót lọt cho Thổ Nhĩ Kỳ, người Nga giờ đây như "ngư ông đắc lợi". Bênh cạnh đó, Moscow có lý do chính đáng của mình để ủng hộ cuộc tấn công giành lại Idlib.

Thỏa thuận S-400 không giúp Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi một cuộc tấn công ở Syria.

Nga-Syria ra tay

Trong thời gian qua, các nhà phân tích đã nói nhiều về việc Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào một sự bế tắc kép.

Một cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Syria ở Idlib đang đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào thế đối đầu với Moscow. Trong khi thỏa thuận về vùng an toàn để giải quyết vấn đề người Kurd với Mỹ vẫn còn là một dấu hỏi.

Những diễn biến mới nhất đã chứng minh rằng, thỏa thuận ngừng bắn Sochi mà Nga-Thổ có với nhau năm ngoái vốn đã không có bất kỳ ích lợi gì ngay từ đầu, theo Arab Weekly.

Bất chấp việc Nga-Thổ vừa có với nhau thỏa thuận mua bán hệ thống phòng không S-400 đình đám, giới quan sát nhận định rằng: Idlib - thành trì cuối cùng của lực lượng phiến quân - sẽ trở thành đấu trường nơi lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria-Nga đụng độ.

Điều này xuất phát từ việc Ankara đã không thể hoàn thành đúng cam kết của thỏa thuận trong việc tách các nhóm cực đoan ở Idlib ra khỏi phiến quân ôn hòa và giải giáp vũ khí hạng nặng ở đây.

Không có nhiều lựa chọn cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, khi chính quyền của ông lúc này còn mâu thuẫn với cả Mỹ - đồng minh gần gũi nhất ở Syria. Cho dù chọn hướng đi nào, vấn đề của nhà lãnh đạo Ankara chỉ là đếm ngược thời gian.

Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng người Mỹ - mặc dù đồng ý về đề xuất vùng an toàn – nhưng họ sẽ áp đặt ý chí của mình tại đây để bảo vệ các đồng minh người Kurd khỏi một cuộc tấn công.

Người Kurd sẽ vẫn là một đồng minh hữu hiệu của Washington trong việc chống lại khủng bố và sự hiện diện phát triển của Iran. Ngoài ra, lực lượng này cũng sẽ là một quân bài thương lượng khi cuộc chiến Syria kết thúc.

Theo cây bút phân tích Yavuz Baydar của Arab Weekly, người Nga không thực sự có niềm tin với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Erdogan. Moscow không thấy Ankara tuân thủ các cam kết của mình và vẫn ủng hộ việc thay đổi quyền lực ở Damascus trong tâm trí.

Theo giới phân tích, Moscow có thể đã tính toán rằng sự bế tắc giữa Ankara và Washington về việc thiết lập vùng an toàn đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Để chiếm thế thượng phong trong tương lai ở Syria, Nga và quân đội Syria đã sẵn sàng cho chiến dịch giành lại Idlib.

Sau khi bán hệ thống phòng không S-400 trót lọt cho Thổ Nhĩ Kỳ, người Nga giờ đây không còn gì để mất. Vì vậy, Nga đã có lý do chính đáng của mình để tiến hành cuộc tấn công này.

Đó sẽ là một chiến thắng cho cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng minh Damascus, cây bút phân tích Yavuz Baydar nêu quan điểm.

3 kịch bản

Nếu nhượng bộ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể giữ lại phần nào ảnh hưởng của mình ở Syria.

Theo Ahram Online, có 3 kịch bản có thể xảy ra ở Idlib. Thứ nhất, tình hình sẽ tiếp tục leo thang giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, ở cấp độ chiến trường và các tuyên bố ngoại giao, Ankara sẽ vẫn quyết tâm giữ sự hiện diện quân sự của mình ở Idlib và sẽ bảo vệ quân đội tại đây. Nếu xu hướng này tiếp tục cùng với việc Nga không ngần ngại nhắm vào các mục tiêu Thổ Nhĩ Kỳ, rốt cuộc quan hệ song phương sẽ bị ảnh hưởng.

Đối với kịch bản thứ hai, đó là nỗ lực kiềm chế sự căng thẳng. Hai nước có thể xem xét lại cuộc khủng hoảng. Tình hình thực tế vẫn chưa phải không thể cứu vãn, đặc biệt là ở cấp độ tổng thống và quân đội hai bên vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào liên quan đến những diễn biến gần đây. Vì vậy hai bên có thể điện đàm tìm nước đi để xoa dịu căng thẳng.

Nhưng cũng có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm cách giành được nhiều lợi thế trở lại bằng cách thay đổi chiến thuật của mình ở Idlib, chẳng hạn như đẩy quân đối lập ra mặt trận thay vì các chiến binh của nhóm HTS (lực lượng đang kiểm soát Idlib) và thậm chí mở đường cho Nga và quân đội Syria bước vào một cuộc đối đầu với HTS.

Với bước đi như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cơ hội giữ lại thỏa thuận ngừng bắn Sochi và đảm bảo sự hiện diện của phe đối lập cho đến khi thỏa thuận chính trị cuối cùng ở Syria được thực hiện.

Ở kịch bản thứ ba, Moscow và Ankara có thể tiến thêm một bước mới bằng một thỏa thuận khác. Theo đó, hai bên có thể cố gắng đạt được sự đồng nhất liên quan đến việc thành lập vùng an toàn ở Idlib, tương tự như vùng an toàn của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Euphrates.

Đó là một yêu cầu mà Thổ Nhĩ Kỳ từng đề nghị trong giai đoạn đầu tiên của cuộc xung đột Syria, nhưng đã không nhận được sự tán thành. Điều này sẽ phải dựa trên quyết định của Moscow.

Về cơ bản, quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua một bài thử nghiệm cần thiết để xác định độ bền vững của liên minh hiện có. Nhưng không nên cho rằng liên minh này dễ bị ảnh hưởng bởi các biến cố.

Mặc dù vậy, người ta có thể thấy đặc trưng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Syria - vốn bị chi phối bởi các thỏa thuận và sự đồng điệu tạm thời - rất dễ bị sụp đổ. Sự biểu hiện này là minh chứng cho thấy hai nước quản lý mối quan hệ song phương đầy tính thực dụng.