Xã hội

Bản tin 9/7: Học sinh miền núi có thể nhận hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/tháng

Học sinh miền núi có thể nhận hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/tháng; Thông tin mới nhất vụ 2 ôtô đối đầu khiến 3 người tử vong... là các tin nổi bật.

Học sinh miền núi có thể nhận hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/tháng

Ảnh minh họa.

Theo Zing, mỗi học sinh, học viên bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo... có thể được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/tháng.

Thông tin trên là đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Cụ thể, mỗi học sinh, học viên bán trú được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/tháng (được hưởng không quá 9 tháng/năm học). So với hiện tại, mức này tăng 20%.

Ngoài tiền ăn, những học sinh, học viên phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường, hoặc do cần có sự hỗ trợ, chăm sóc đặc biệt của người thân (sức khỏe yếu, khuyết tật, nhỏ tuổi) sẽ được hỗ trợ 360.000 đồng/tháng (không quá 9 tháng/năm học).

Mỗi học sinh, học viên cũng được được 15 kg gạo mỗi tháng, được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng đề xuất mức hỗ trợ tiền ăn bữa chính, bữa phụ đối với trẻ em tại nhà trẻ bán trú, mỗi tháng 360.000 đồng (không quá 9 tháng/năm học).

Đối với học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học, trong năm học, các em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc sẽ được thưởng 800.000 đồng/học sinh; học sinh giỏi được thưởng 600.000 đồng/học sinh. Ở mỗi cấp học, các em được cấp chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí là 1,08 triệu đồng/học sinh.

Đặc biệt, mỗi năm học, học sinh cũng được cấp 2 bộ quần áo đồng phục, học phẩm và các dụng cụ học tập với mức kinh phí 1,08 triệu đồng/học sinh.

Ngoài ra, các em nhận tiền tàu xe 2 lần một năm, được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng (không quá 9 tháng/năm học). Học sinh năm cuối cấp THPT được hưởng đến tháng thi tốt nghiệp nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Hiện dự thảo trên vẫn trong quá trình lấy ý kiến. Nếu được thông qua, chính sách sẽ được áp dụng từ năm học 2024-2025.

Thông tin mới nhất vụ 2 ôtô đối đầu khiến 3 người tử vong

Hiện trường vụ tai nạn trên Quốc lộ 20. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Theo báo Người Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, vừa chỉ đạo khẩn trương xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn 2 ôtô đối đầu trên Quốc lộ 20, đoạn qua xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, vào rạng sáng 8/7.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng khẩn trương tập trung huy động các y - bác sĩ, máy móc, thuốc men để cứu chữa và chăm sóc 4 nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.

UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Công an huyện Đức Trọng khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn để sớm có kết luận, hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định.

Sở Giao thông Vận tải được giao chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đức Trọng kiểm tra, rà soát, đánh giá hệ thống an toàn giao thông, những tồn tại, hạn chế, bất cập về hạ tầng giao thông trên Quốc lộ 20 qua địa bàn huyện, nhất là khu vực xảy ra tai nạn, để báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo khắc phục.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, rạng sáng 8-7, ôtô con do tài xế T.V.Q. (42 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) điều khiển chở 6 người lưu thông trên Quốc lộ 20 đã đối đầu với xe tải do tài xế L.N.A (28 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) điều khiển.

Vụ tai nạn khiến 3 phụ nữ trên xe - gồm bà Th., bà L. và bà Tr. - tử vong tại chỗ; 4 người khác bị thương.

Nam bệnh nhân suýt mất mạng vì dùng kim chọc các đầu ngón tay loại bỏ máu độc

Huyết khối được lấy ra từ mạch não của bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Thông tin ban đầu trên Pháp luật Việt Nam khoảng 13h ngày 8/7, người nhà phát hiện bệnh nhân đang trên giường trong tư thế vật vã kích thích, đau đầu, nói ngọng, yếu 1/2 người bên trái.

Khai thác tiền sử bệnh, gia đình bệnh nhân cho biết xử trí bằng cách bôi nước gừng, chọc các đầu ngón tay, chọc máu tai. Thấy tình trạng bệnh nhân không cải thiện, gia đình mới đưa đến phòng khám để đến cấp cứu. Bệnh nhân được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết và cho hình ảnh: Nhồi máu não cấp do tắc mạch não giữa M1, M2.

Sau đó bệnh nhân được chuyển ngay về Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thực hiện can thiệp.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã hội chẩn trực tuyến cùng chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai và thống nhất phương án thực hiện can thiệp lấy huyết khối với mục tiêu tái thông mạch não.

Kết quả, ca can thiệp cấp cứu đã thành công, bệnh nhân được lấy huyết khối cơ học tái thông hoàn toàn đoạn M1.

Sau can thiệp toàn trạng bệnh nhân ổn định và được chuyển khoa theo dõi và tiếp tục điều trị. Hiện tại, bệnh nhân đã cải thiện cơ lực tay và chân trái.

Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Văn Kiên, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết: Bệnh nhân bị nhồi máu não cấp thuỳ đảo nhưng được đưa đến bệnh viện khá muộn, sau 5 tiếng đồng hồ xuất hiện triệu chứng. Rất may mắn bệnh nhân đã được can thiệp thành công.

Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người dân khi có những biểu hiện như trên cần đến bệnh viện để điều trị ngay. Nếu tự ý điều trị bằng các phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng tại nhà sẽ làm lỡ thời gian vàng của bệnh nhân.

Tháng 4/2023, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cũng cấp cứu cho một bệnh nhân 60 tuổi nhập viện vì nhồi máu não. Trước đó, người nhà bệnh nhân có những xử lý ban đầu chưa đúng cách, đó là dùng vật nhọn chích vào toàn bộ các đầu ngón tay, ngón chân...

Trúc Chi (t/h)