Xã hội

Bản tin 9/5: Đề xuất tăng giá nước sạch tại Hà Nội từ tháng 6/2023

Bản tin 9/5: Đề xuất tăng giá nước sạch tại Hà Nội từ tháng 6/2023; Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất tiếp tục tuyển sinh lớp 10 song bằng tú tài...

Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất tiếp tục tuyển sinh lớp 10 song bằng tú tài

Ảnh minh họa.

Theo Giáo Dục Việt Nam, ngày 8/5, theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở đang trình Thành ủy và Uỷ ban nhân dân thành phố xin phép được tiếp tục tuyển sinh lớp 10 song bằng, tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc cấp trung học phổ thông năm học 2023-2024.

Chương trình được triển khai tại 2 trường: Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam và Trung học phổ thông Chu Văn An.

Sở GD&ĐT dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh chương trình song bằng tú tài gồm 2 lớp/trường. Sau khi được phép tuyển sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố chính thức để phụ huynh, học sinh được biết.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng dự kiến giữ ổn định phương thức tuyển sinh lớp 10 song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc bậc trung học phổ thông năm học 2023-2024 như năm học 2022-2023.

Trước đó, Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A Level) được triển khai tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An từ năm học 2017-2018.

Đến năm học 2018-2019, Hà Nội có thêm 7 trường triển khai chương trình đào tạo chương trình song bằng tú tài, gồm Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam (ở cả hai khối trung học cơ sở và trung học phổ thông) và 6 trường trung học cơ sở, gồm: Chu Văn An (quận Tây Hồ), Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm), Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Cầu Giấy, Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).

Đề xuất tăng giá nước sạch tại Hà Nội từ tháng 6/2023

Sở Tài chính Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND Tp.Hà Nội về phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn. Ảnh: Báo Công Lý.

Thông tin trên Công Lý, theo đề xuất của Sở Tài chính Hà Nội, mức giá cao nhất đối với nước sinh hoạt nếu sử dụng trên 30m3/hộ/tháng trong 6 tháng cuối năm là 24.000 đồng/m3; mức giá cao nhất trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3.

Sở Tài chính Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND thành phố, đề nghị phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn.

Theo tờ trình, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 trong 6 tháng cuối năm 2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024. Tương tự, mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm nếu sử dụng trên 30m3/hộ/tháng trong 6 tháng cuối năm là 24.000 đồng/m3; mức giá cao nhất trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3.

Tổ công tác thẩm định phương án điều chỉnh giá nước cho biết, đã tính toán nhu cầu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức 100-150 lít/ngày/người. Như vậy, mỗi hộ gia đình sẽ dùng 10-16 m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng một tháng.

Tại khu vực nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/người, một hộ gia đình sẽ sử dụng 6-8 m3/tháng nên số tiền họ phải chi thêm là 10.000-13.000 đồng một tháng.

Lý giải đề xuất nêu trên, Tổ công tác thẩm định cho biết, mức tăng dự kiến của Hà Nội tương đương hoặc thấp hơn so với các tỉnh thành. Cụ thể, tiền nước phải chi trả 10m3 đầu tiên của người dân Hà Nội là 75.000 đồng/hộ, Bình Dương 101.500 đồng/hộ, Quảng Ninh là 81.000 đồng/hộ; Điện Biên 80.000 đồng/hộ.

Tổ thẩm định cho rằng, 10 năm qua thành phố chưa điều chỉnh giá nước sạch, trong khi đó chi phí cấu thành giá nước đã biến động. Do chính sách hạn chế nước ngầm của Nhà nước, thành phố đã kêu gọi đầu tư nhà máy nước mặt có giá sản xuất cao hơn nước ngầm. Yêu cầu nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cũng đòi hỏi phải có các nguồn lực để đầu tư.

Bên cạnh đó, giá nước sạch được điều chỉnh sẽ khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm cho các tổ chức, cá nhân; đảm bảo an sinh xã hội và tạo sự tự chủ về tài chính cho doanh nghiệp cấp nước, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô.

Đến 31/12/2022, tổng công suất cấp nước của các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm. Trong đó, sản xuất nước ngầm 770.000 m3/ngày đêm và sản xuất nước mặt 750.000 m3/ngày đêm. Mạng cấp nước nông thôn có công suất thiết kế của từng trạm 300-1.000 m3/ngày đêm. Tỉ lệ thất thoát nước sạch trung bình toàn thành phố giảm từ 24% xuống dưới 18%.

Tổ thẩm định đánh giá, công suất của các nhà máy nước tập trung đảm bảo nguồn nước cấp cho thành phố ổn định, chất lượng, an toàn. Tuy nhiên, từ năm 2025, nếu các dự án không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch thì có thể không đảm bảo nguồn cung về nước sạch sinh hoạt cho thành phố.

Thông tin thêm trên Thanh Niên, theo Sở Tài chính Hà Nội mức tăng giá nước được thiết kế theo lộ trình 2 đợt và cơ bản không tác động đến thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt. Lý do, tiền nước chỉ chiếm 0,72% tổng thu nhập và chi tiêu mỗi tháng của một hộ gia đình tại khu vực thành thị.

Mới đây, tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, từ năm 2013 đến nay, tiền nước không tăng nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư nước sạch. Do đó, trong thời gian tới, thành phố sẽ tính toán lại giá nước sạch, trong đó ưu tiên về giá 10 m3 đầu tiên, đặc biệt là cho người nghèo. Các đối tượng khác dùng nhiều nước sạch thì phải trả giá cao hơn.

Thời tiết nắng nóng, một em học sinh đi tắm suối bị đuối nước

Nạn nhân đuối nước là học sinh cấp 2. Ảnh: Báo Lào Cai.

Theo Lào Cai, sáng 8/5, ông Đặng Văn Bậu, Chủ tịch UBND xã Điện Quan, huyện Bảo Yên cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra một vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân là học sinh cấp 2.

Cụ thể, vào 15h ngày 7/5, do thời tiết nắng nóng, em L.H.T. (sinh năm 2009, ở bản Trà, xã Điện Quan, huyện Bảo Yên) học sinh cấp 2 của một Trường trung học cơ sở trên địa bàn xã Điện Quan cùng 6 người bạn đi tắm tại khu vực cửa ngòi, thuộc thủy điện Vĩnh Hà, xã Điện Quan.

Tuy nhiên, trong lúc tắm do nước dâng lên, em T. đã không kịp bơi vào bờ nên xảy ra tai nạn. Được biết, nơi các em tắm thuộc khu vực nước dâng của Thủy điện Vĩnh Hà.

Ngay sau khi phát hiện em T. bị đuối nước, lực lượng chức năng cùng người dân đã có mặt cứu vớt, đưa lên bờ nhưng em T. không qua khỏi.

Ông Đặng Văn Bậu, Chủ tịch UBND xã Điện Quan cho biết thêm, khu vực xảy ra tai nạn đuối nước, nước không chảy xiết nhưng nhiều chỗ nước sâu, nguy hiểm. Những ngày này, trên địa bàn thời tiết nắng nóng kéo dài, học sinh kéo nhau đi tắm không có người lớn giám hộ rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước.

Chính quyền địa phương đã thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân vụ đuối nước thương tâm nói trên.

Trúc Chi (t/h)