Xã hội

Bản tin 7/3: Tai nạn xe máy làm 3 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn xe máy làm 3 người thương vong; Tp.HCM: Phụ huynh thấp thỏm vì thông tin thi vào lớp 6...

Tp.HCM: Phụ huynh thấp thỏm vì thông tin thi vào lớp 6

Ảnh minh họa.

Theo Đại Đoàn Kết, thay vì chỉ 1,2 trường tổ chức thi tuyển, năm học 2024 này thêm nhiều trường THCS dự kiến thi tuyển thay vì xét tuyển vào lớp 6 khiến phụ huynh học sinh thấp thỏm, âu lo.

Theo quy định chung của Bộ GD&ĐT, học sinh khi hoàn thành bậc tiểu học sẽ không phải thi vào lớp 6 (THCS) mà được xét tuyển sinh theo các tiêu chí về chỗ ở, bảng điểm học bạ…

Những năm trước đây ở Tp.HCM chỉ có trường Trần Đại Nghĩa tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực do số lượng hồ sơ quá lớn so với chỉ tiêu xét tuyển.

Tuy nhiên, theo thông tin từ một số trường THCS ở Tp.HCM thì năm 2024 này, nhiều trường sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực cho lượng hồ sơ dự kiến cao hơn quá nhiều so với chỉ tiêu. Đây là thông tin khiến nhiều phụ huynh lo lắng, đứng ngồi không yên vì có thể ảnh hưởng tới trường học dự kiến của con em mình.

Anh Nguyễn Huy Dũng, ngụ ở TP Thủ Đức, một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 6 cho biết thay vì xét tuyển, một số trường điểm sẽ thi tuyển. “Những năm trước học sinh chỉ nộp hồ sơ, bảng điểm của năm học lớp 5 và một số chứng chỉ ngoại ngữ, giải thưởng… là được xét tuyển vào trường thì năm nay có thể phải thi đánh giá năng lực. Mà tôi cũng chưa biết thi đánh giá năng lực sẽ như thế nào, thi những nội dung kiến thức gì nữa để định hướng cho con ôn luyện”, anh Dũng cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường ở khu vực trung tâm có mật độ cư dân cao, số lượng hồ sơ nộp vào đông (thường là trường có chất lượng đào tạo tốt) trong khi chỉ tiêu nhà trường lại có hạn. Như trường Trần Đại Nghĩa (quận 1) có chỉ tiêu khoảng hơn 500 học sinh lớp 6 trong khi số hồ sơ nộp vào gần 5.000 khiến cho nhà trường bắt buộc tổ chức thi đánh giá năng lực những năm trước để sàng lọc hồ sơ. Đây cũng là trường duy nhất thường xuyên tổ chức thi tuyển chọn lọc lớp 6 trong nhiều năm.

Kỳ thi này của trường Trấn Đại Nghĩa thường gồm 2 phần (100 điểm) với phần trắc nghiệm 20 câu hỏi bằng tiếng Anh (40 điểm) và phần tự luận (60 điểm) gồm có thông tin tổng hợp tiếng Anh, toán, khoa học, làm văn… Căn cứ vào điểm thi này cùng hồ sơ, nhà trường sẽ quyết định học sinh nào trúng tuyển.

Được biết, hiện năm 2024 này không chỉ riêng trường Trần Đại Nghĩa mà thêm nhiều trường khác có thể phải tổ chức thi như vậy để sàng lọc thí sinh. Dù phương án chính thức chưa được Sở GD&ĐT Tp.HCM công bố nhưng bên cạnh một số phụ huynh băn khoăn lo lắng, nhiều người lại đồng tình ủng hộ.

Theo đó, phụ huynh cho rằng nếu nhu cầu quá cao thì cần phải thi để sàng lọc thí sinh tốt nhất nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào bởi những tiêu chí phụ xét tuyển thường khá mơ hồ, khó so sánh. Đặc biệt là chủ trương không chấm điểm, không áp lực điểm số của học sinh tiểu học những năm vừa qua khiến bảng điểm không phản ánh thực chất, chính xác chất lượng học tập của các em so với một bài thi về đánh giá năng lực ở nhiều kiến thức tổng hợp.

Có thể nói, trong khi chờ đợi phương án chính thức tuyển của Sở GD&ĐT Tp.HCM (dự kiến có trong tháng 3), các phụ huynh tiếp tục đôn thúc con em mình học tập tốt, chuẩn bị kỹ kiến thức cần thiết để có thể đạt được những mong ước trong học tập.

Số trẻ mắc ho gà ở Hà Nội tăng cao

Ảnh minh họa.

Thông tin trên báo Công Thương từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 9 ca mắc ho gà. Qua khai thác bệnh sử, đa số trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh ho gà có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh, trẻ em, cả người lớn khi chưa có miễn dịch phòng bệnh. Bệnh thường gây ra tình trạng thiếu ôxy cho cơ thể dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, thiếu ôxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường chia làm 3 thể: Thể thông thường điển hình, thể thô sơ và thể nhẹ. Ở thể thông thường hay gặp ở trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng, thời gian ủ bệnh từ 3 - 12 ngày. Biểu hiện điển hình như ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau rát họng, dần chuyển thành ho cơn. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, giai đoạn này thường không có.

Ở thể thô sơ và thể nhẹ: Triệu chứng thường giống cảm thường, ho hắt hơi nhiều, không khạc đờm nhiều. Gặp ở trẻ đã được tiêm vaccine phòng bệnh ho gà nhưng kháng thể thấp và tồn tại ngắn. Thể này thường khó chẩn đoán.

Để phòng bệnh, giới chuyên gia khuyến cáo, việc tiêm phòng vaccine có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Trẻ được tiêm mũi 1 khi 2 tháng tuổi (có thể tiêm sớm lúc 6 tuần tuổi); mũi 2 khi 3 tháng tuổi; mũi 3 khi 4 tháng tuổi; mũi 4 lúc 18 tháng tuổi.

Người dân cần bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Gia đình cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ hằng ngày. Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh như: Ho nhiều, ho có tím tái, ăn nôn trớ, ngủ ít, thở nhanh hoặc khó thở… cần đưa ngay đến cơ sở khám chữa bệnh.

Cùng với bệnh ho gà, Hà Nội cũng đã xuất hiện chùm ca bệnh tay chân miệng, thủy đậu trong trường học. Tính từ ngày 23/2 - 1/3/2024, trên địa bàn TP. Hà Nội ghi nhận 37 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 19 trường hợp so với tuần trước đó; nâng tổng số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố lên 125 trường hợp, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, trong tuần qua, trên địa bàn cũng ghi nhận 27 trường hợp mắc thủy đậu.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, thời tiết mùa Đông - Xuân như hiện nay là giai đoạn thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, các đơn vị tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, thủy đậu... đặc biệt tại các trạm y tế, trường mầm non, tiểu học; tổ chức hoạt động xử lý ổ dịch, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các trường học có nhiều bệnh nhân, ổ dịch; điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để các ổ dịch bùng phát rộng.

Đặc biệt cần duy trì công tác tiêm chủng mở rộng phòng bệnh nguy hiểm ở trẻ; bảo đảm tỉ lệ tiêm chủng của các bệnh và tích cực tư vấn người dân cho con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tổ chức tốt các buổi tiêm chủng, bảo đảm an toàn...

Hiện trường vụ tai nạn xe máy làm 3 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn.

Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn nguồn thông tin từ Công an Bảo Lộc, Lâm Đồng, đơn vị này đang điều tra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vừa xảy ra trên địa bàn.

Theo thông tin ban đầu, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 20h ngày 5/3 tại đường Nguyễn Văn Cừ, Tp.Bảo Lộc.

Vào thời điểm trên, ông Nguyễn Văn Tuyến (32 tuổi, trú Tp.Bảo Lộc) điều khiển xe máy chạy hướng huyện Bảo Lâm ra Tp.Bảo Lộc.

Khi đến trước Giáo xứ Gioan, đường Nguyễn Văn Cừ, Tp.Bảo Lộc thì va chạm với xe máy do Nguyễn Gia B. (14 tuổi) điều khiển, chở thêm bạn là Nguyễn Đức G. (14 tuổi, cả 2 em đều trú tại Tp.Bảo Lộc) đang lưu thông cùng chiều, phía trước xe của ông Tuyến. Cú va chạm mạnh khiến cả 3 người ngã xuống đường, bị thương và được người dân hỗ trợ đưa đến Bệnh viện II Lâm Đồng cấp cứu.

Quá trình cấp cứu em B. có dấu hiệu chuyển nặng nên nhanh chóng được người thân chuyển về Tp.HCM điều trị nhưng đã tử vong.

Ngay khi nhận được thông tin vụ tai nạn, lực lượng công an địa phương đã có mặt để điều tiết giao thông, khám nghiệm hiện trường.

Nguyên nhân vụ tại nạn tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Trúc Chi (t/h)