Xã hội

Bản tin 5/9: 695 ứng viên được đề nghị xét công nhận Giáo sư, PGS năm 2023

695 ứng viên được đề nghị xét công nhận Giáo sư, PGS năm 2023; Từ vụ tài xế co giật rồi tử vong khi đang lái xe khách, bác sĩ đưa ra lời khuyên...

695 ứng viên được đề nghị xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023

Ảnh minh họa.

Theo Công dân & Khuyến học, Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Danh sách có 695 ứng viên được đề nghị xét công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư gồm 76 ứng viên giáo sư và 619 ứng viên phó giáo sư.

Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế có số lượng ứng viên đông nhất với 102 ứng viên, tiếp đến là Hội đồng Giáo sư ngành Y học với 82 ứng viên.

Một số hội đồng có lượng ứng viên rất thấp như: Hội đồng Giáo sư ngành Luyện kim với 3 ứng viên, Hội đồng Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học có 4 ứng viên; Hội đồng Giáo sư ngành Văn học có 5 ứng viên.

Trong số 695 hồ sơ xét duyệt chức giáo sư, phó giáo sư năm 2023, có 4 ứng viên giáo sư trẻ nhất sinh năm 1984 và 2 ứng viên phó giáo sư trẻ nhất sinh năm 1990.

So với năm 2022, danh sách đề nghị xét đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm nay tăng thêm 248 người (năm 2022 có 447 ứng viên).

Hơn 34.000 trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9

Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, toàn quốc đã xảy ra 127 vụ tai nạn giao thông, làm chết 76 người, bị thương 95 người.

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9, toàn quốc ghi nhận 9.390 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Trong khi đó, số vi phạm về tốc độ là 6.233 trường hợp.

Cụ thể, thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay (tính từ ngày 1/9 đến ngày 4/9), toàn quốc đã xảy ra 127 vụ tai nạn giao thông, làm tử vong 76 người, bị thương 95 người.

Trong đó, đường bộ xảy ra 125 vụ tai nạn giao thông, làm tử vong 73 người, bị thương 95 người. Đường sắt xảy ra 2 vụ làm 3 người tử vong.

Cũng theo đại diện Cục CSGT, trong dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 34.477 trường hợp vi phạm; phạt tiền gần 72 tỉ đồng; tạm giữ 523 xe ôtô, 11.987 xe mô tô và 120 phương tiện khác; tước 7.166 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn các loại. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 9.390 trường hợp; vi phạm về tốc độ 6.233 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 332 trường hợp và vi phạm ma túy 20 trường hợp…

Đường thủy đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 325 trường hợp vi phạm, phạt tiền 429 triệu đồng. Đường sắt đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 4 trường hợp vi phạm; phạt tiền 1 triệu đồng.

Trong khi đó, các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc, Cục CSGT đã kiểm tra và xử lý 198 trường hợp, phạt tiền 692 triệu đồng, tước 70 GPLX, tạm giữ 14 phương tiện mô tô, trong đó, vi phạm tốc độ 47 trường hợp; vi phạm nồng độ cồn một trường hợp.

Kết quả xử lý qua hệ thống giám sát, theo dõi của các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc phát hiện qua hệ thống giám sát 296 trường hợp vi phạm.

Từ vụ tài xế co giật rồi tử vong khi đang lái xe khách, bác sĩ đưa ra lời khuyên

Hình ảnh nam tài xế lên cơn co giật. Ảnh cắt từ clip.

Theo Vietnamnet, ngày 3/9, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip được camera hành trình của nhà xe V.H tuyến Tp.HCM - Bình Thuận ghi lại cảnh tài xế N.T.B. (53 tuổi) xuất hiện cơn co giật khi đang lái xe chở khách tại Tp.HCM.

Sau khi nghe điện thoại, ông B. có dấu hiệu đột quỵ và gục xuống vô lăng. Dù vậy, người lái xe vẫn cố gắng dừng được chiếc xe an toàn, tránh nguy hiểm cho hành khách và người lưu thông trên đường.

Ông B. được chuyển đến Bệnh viện 30/4 nhưng đã tử vong ngoại viện. Người bệnh được đưa về nhà tại La Gi, Bình Thuận để an táng.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 (Tp.HCM), để chẩn đoán nguyên nhân tử vong chỉ dựa trên một đoạn clip rất khó. Tuy nhiên, cơn co giật cục bộ nửa người trái là điểm mấu chốt, chứng tỏ bệnh nhân đã bị tổn thương nghiêm trọng bán cầu não bên phải. Nhiều khả năng, ông B. bị xuất huyết não lượng lớn, gây thoát vị não dẫn tới tử vong nhanh.

Nếu đúng là xuất huyết não, 90% nguyên nhân là cao huyết áp.

Theo bác sĩ Thắng, đột quỵ hay gặp ở những người khoảng 60 tuổi, gia tăng khi tuổi cao hơn. Người lớn tuổi thường mắc nhiều bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành... là các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ.

Hiện nay, người dân đã biết đến "giờ vàng" cấp cứu đột quỵ: trong 3-4,5 giờ sau khi có triệu chứng. Tuy nhiên, nhiều người do không nhận thức được các dấu hiệu nên khi người nhà bị đột quỵ lại nghĩ đó là trúng gió nên sơ cứu sai cách.

Theo các chuyên gia y tế, có thể nhận diện cơn đột quỵ theo quy tắc F.A.S.T:

F (Face) - Khuôn mặt: Yêu cầu người đó mỉm cười. Một bên mặt có bị xệ không?

A (Arms) - Tay: Đề nghị người đó giơ cả hai cánh tay lên. Một cánh tay có trôi xuống phía dưới không?

S (Speech) - Lời nói: Yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản. Họ có nói ngọng không?

T (Time) - Thời gian: Nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu như trên, hãy gọi cấp cứu ngay.

Trúc Chi (t/h)