Xã hội

Bản tin 3/3: Khẩn trương sửa chữa vỉa hè bị hư hỏng

Nhiều địa phương đề xuất sáp nhập các cơ sở giáo dục nhỏ, lẻ; Khẩn trương sửa chữa vỉa hè bị hư hỏng... là những tin tức nổi bật.

Tp.HCM: Nhiều địa phương đề xuất sáp nhập các cơ sở giáo dục nhỏ, lẻ

Ảnh minh họa.

Thông tin trên Người Lao Động, để có quỹ đất xây dựng trường học, nhiều địa phương tại Tp.HCM đề xuất TP tổ chức thanh lý, sáp nhập những cơ sở vật chất giáo dục quy mô nhỏ hẹp, các điểm lẻ không đạt tiêu chuẩn, không có khả năng phát triển để có kinh phí đầu tư xây mới thêm phòng học đảm bảo đúng quy cách

Ý kiến trên được nhiều đại biểu, đại diện cho một số quận, huyện tại Tp.HCM đưa ra tại Hội nghị Công tác chuẩn bị đảm bảo cơ sở vật chất giai đoạn 2022-2025, đảm bảo tiến độ thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Hội nghị do UBND Tp.HCM tổ chức tại Sở GD&ĐT Tp.HCM với đại diện từ các sở, ban, ngành, UBND Tp.Thủ Đức và các quận, huyện.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM, cho biết, năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo, các địa phương đều đảm bảo chỗ học cho con em trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, thực hiện chương trình sách giáo khoa phổ thông năm 2018, mục tiêu phấn đấu 100% học sinh được học 2 buổi/ngày gặp nhiều khó khăn, áp lực lớn nhất tập trung tại cấp học tiểu học và THCS, tỷ lệ này chưa đạt, cụ thể: cấp tiểu học đạt 80,66%, cấp THCS đạt 76,03%. "Hiện nay nhiều quận, huyện có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách TP", Ông Nam nói.

Cũng theo ông Lê Hoài Nam, về tiến độ thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi), tính đến 12- 2022, chỉ tiêu đã đạt 294 phòng. Cụ thể, tính đến tháng 12-2022, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học đã đạt 294 phòng. Trong đó 12 quận, huyện và Tp.Thủ Đức đã đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học.

Các quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu gồm: Quận 4 (286), quận 8 (292), quận 12 (235), quận Bình Thạnh (297), quận Gò Vấp (205), quận Tân Bình (288), quận Tân Phú (255), quận Bình Tân (288), huyện Bình Chánh (260), huyện Hóc Môn (211). Về xây dựng kế hoạch đến năm 2025 thực hiện chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân, còn 3 quận vẫn chưa đạt gồm: quận 4 (289), quận 12 (240), quận Gò Vấp (220).

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT TP, tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân không đồng đều giữa các cấp học, cấp tiểu học và THCS đạt thấp, tập trung tại TP Thủ Đức (khu vực quận Thủ Đức cũ) và một số quận, huyện như: 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn. Trong khi đó, với quy mô của ngành GD&ĐT TP, đến năm 2025, Tp.HCM cần 56.512 phòng học, so với số phòng đang có năm 2022 là 47.623. Như vậy, đến năm 2025, Tp.HCM cần bổ sung 8.889 phòng học ở tất cả các bậc học, từ mầm non đến THPT.

Đặc biệt, báo cáo về quỹ đất "sạch" dành cho giáo dục giai đoạn 2023-2025 phân theo quận, huyện và TpThủ Đức cho thấy Tp.HCM có 7 địa phương không còn sẵn đất "sạch" để đầu tư cho giáo dục. Đó là các quận, huyện: 5, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Hóc Môn, Cần Giờ và Tp.Thủ Đức. Theo Sở GD&ĐT Tp.HCM, tính đến cuối tháng 12-2022, Tp.HCM có 117 dự án giáo dục chậm thực hiện do nhiều nguyên nhân, như bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa duyệt kế hoạch, chưa bố trí vốn, chưa làm hồ sơ, chưa thu hồi đất, điều chỉnh dự án... Trong đó, nhiều nhất là cấp tiểu học với 49 dự án, tiếp đó là mầm non với 36 dự án.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến, đề xuất từ các quận, huyện cho thấy, cần phải cùng lúc triển khai nhiều giải pháp, nếu không chỉ tiêu xây dựng phòng học vẫn chỉ mơ hồ, khó đạt được mục tiêu. Nhiều ý kiến từ các địa phương đã đề xuất Tp.HCM tổ chức thanh lý, sáp nhập những cơ sở vật chất giáo dục quy mô nhỏ hẹp, các điểm lẻ không đạt tiêu chuẩn ngành và cũng không có khả năng cấp, phát triển để có kinh phí đầu tư xây mới thêm phòng học đảm bảo đúng quy cách. Đối với các dự án đầu tư, các chung cư có sự thu hút đông dân cư về sinh sống, cần có những quy định về mức đóng góp hoặc dành quỹ đất cho giáo dục và cả những công trình công cộng khác...

Khẩn trương sửa chữa vỉa hè bị hư hỏng

Nhiều nơi vỉa hè hỏng nặng. Ảnh: Bảo vệ Công Lý.

Theo Công Lý, Sở GTVT Tp.HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về công tác sửa chữa các vị trí vỉa hè hư hỏng và tăng cường vệ sinh trên địa bàn thành phố.

Sở GTVT Tp.HCM đề nghị UBND các quận, huyện và Tp.Thủ Đức khẩn trương kiểm tra chỉ đạo các lực lượng chức năng rà soát, kiểm tra, sửa chữa các vị trí vỉa hè bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn cho người đi bộ và các vị trí mất vệ sinh, mỹ quan đô thị.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, sửa chữa vỉa hè; vệ sinh, thu gom rác các tuyến đường trong phạm vi quản lý và tại các vị trí người dân thường xuyên xả rác nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị; xử lý nghiêm các trường hợp xả, tập kết rác không đúng nơi quy định.

Sở GTVT TP cũng đề nghị Ban Quản lý đầu tư dự án các công trình giao thông đô thị khẩn trương kiểm tra, vệ sinh sạch sẽ mặt đường, tiểu đảo, dải phân cách trong phạm vi bàn giao thi công các dự án.

Cụ thể, trên các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh Quận 1, đường Huỳnh Tấn Phát Quận 7, đường Lương Định Của Tp.Thủ Đức... và duy trì công tác này trong suốt thời gian tiếp nhận mặt bằng thi công, không để rác tồn đọng.

Sở GTVT giao Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp xe chở vật liệu cơi nới thùng xe, làm rơi vật liệu xuống đường.

Bên cạnh đó là các công trình thi công xả nước, tập kết vật liệu dưới lòng đường không đúng quy định; Xử lý nghiêm các đơn vị tập kết rác, để xe rác dưới lòng đường không đúng nơi quy định; Xe vận chuyển rác để rơi rác thải, rò rỉ nước gây mất vệ sinh, hư hỏng mặt đường.

Đối với 31 tuyến đường do Sở GTVT chịu trách nhiệm thực hiện vệ sinh, sở yêu cầu các đơn vị thực hiện dịch vụ công tổ chức dọn dẹp sạch sẽ.

Đối với các tuyến đường do các quận, huyện thực hiện vệ sinh và trên vỉa hè, gốc cây, cột điện và các hạng mục công trình công cộng khác trên địa bàn tăng cường kiểm tra, thực hiện công tác vệ sinh ngay khi phát hiện tình trạng mất vệ sinh, đổ rác không đúng nơi quy định.

Nam thanh niên thiệt mạng vì xe máy cán qua người

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Zing.


Thông tin ban đầu trên Zing, khoảng 0h ngày 2/3, nam thanh niên chưa rõ danh tính lái xe máy biển số 72C1-774.62 trên đường Nguyễn Thái Sơn, hướng Phạm Văn Đồng đi Phan Văn Trị.

Khi đến trước số 79 Nguyễn Thái Sơn, phường 4, quận Gò Vấp, anh này quay đầu xe về hướng Bệnh viện quân y 175 thì ngã xuống đường.

Lúc này, xe máy mang biển số 47F1-725.14 chạy hướng ngược lại cán qua người nạn nhân. Vụ việc được camera nhà dân bên đường ghi lại.

Tai nạn khiến anh này tử vong tại chỗ. Tài xế xe máy còn lại cũng bị thương, được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Trúc Chi (t/h)