Xã hội

Bản tin 27/10: Một trường đại học Việt Nam có 8 nhóm lĩnh vực được xếp hạng thế giới

Một trường đại học Việt Nam có 8 nhóm lĩnh vực được xếp hạng thế giới; Hơn 5% số bệnh nhân đau mắt đỏ ở Hải Dương bị biến chứng...

Đại học Quốc gia Hà Nội có 8 nhóm lĩnh vực được xếp hạng thế giới

Theo báo Nhân Dân, ngày 26/10, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cùng ngày tổ chức xếp hạng Times Higher Education đã công bố kết quả xếp hạng các trường đại học theo 11 nhóm lĩnh vực đào tạo – World University Ranking by Subjects 2024 (THE WUR by Subjects 2024). Kết quả ở kỳ xếp hạng 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội có 8/11 nhóm lĩnh vực được xếp hạng (tăng thêm 2 nhóm lĩnh vực so với kỳ xếp hạng 2023).
Thứ năm, ngày 26/10/2023 - 16:39

Cụ thể, trong bảng xếp hạng THE WUR by Subjects 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục duy trì 6 nhóm lĩnh vực đã được xếp hạng trong kỳ xếp hạng trước và gia tăng thêm 2 nhóm lĩnh vực mới được xếp hạng là Sức khỏe lâm sàng (Clinical and Health) và Giáo dục (Education).

Trong đó, nhóm lĩnh vực Giáo dục (Education) lần đầu tiên được THE đánh giá, và đạt được thứ hạng 401 - 500 thế giới (là cơ sở giáo dục đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được xếp hạng). Nhóm lĩnh vực Sức khỏe và lâm sàng (Clinical and Health) cũng lần đầu tiên được THE đánh giá và có thứ hạng 601 - 800.

Như vậy, từ từ 2 nhóm lĩnh vực được xếp hạng trong kỳ 2020, đến kỳ xếp hạng năm 2024, Đại học Quốc gia đã tăng đáng kể lên 8 nhóm lĩnh vực. Vị trí cụ thể các nhóm lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội trong kỳ xếp hạng 2024:

1. Giáo dục (Education) – xếp hạng 401 – 500.

2. Khoa học xã hội (Social Sciences) – xếp hạng 501 – 600.

3. Y tế lâm sàng và Sức khỏe (Clinical and Health) – xếp hạng 601 – 800.

4. Kinh doanh và kinh tế (Business and Economics) – xếp hạng 601 – 800.

5. Khoa học sự sống (Life Sciences) – xếp hạng 801 – 1000.

6. Khoa học máy tính (Computer Sciences) – xếp hạng 801 – 1000.

7. Kỹ thuật (Engineering) – xếp hạng 801 – 1000.

8. Khoa học tự nhiên (Physical Sciences) – xếp hạng 801 – 1000.

THE World University Ranking by Subject sử dụng các nguồn dữ liệu được lấy từ khảo sát (do THE thực hiện), cơ sở dữ liệu Scopus (thuộc Nhà xuất bản Elsevier) và dữ liệu do cơ sở giáo dục đại học cung cấp.

Ở kỳ xếp hạng 2024, THE đã sử dụng bộ tiêu chí mới (THE WUR 3.0) bao gồm 18 tiêu chí đánh giá với trọng số được điều chỉnh để phù hợp với từng nhóm lĩnh vực riêng lẻ (tăng 5 tiêu chí so với THE WUR 2.0 ở các kỳ xếp hạng trước) ở 5 nhóm tiêu chí: Giảng dạy (Teaching); Môi trường nghiên cứu (Research Environment); Chất lượng nghiên cứu (Research Quality); Chuyển giao công nghệ (Industry); Mức độ quốc tế hóa (International Outlook).

Trước đó, vào ngày 28/9/2023, tổ chức xếp hạng THE cũng đã công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới 2024 (THE WUR 2024), trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp hạng ở nhóm 1201 – 1500.

Chọn SGK: Cần nhiều ý kiến phụ huynh hơn là chỉ Ban đại diện

Sau nhiều băn khoăn về những bất cập xung quanh việc chọn sách giáo khoa tại các địa phương, mới đây Bộ GD&ĐT đã có Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm thay thế cho Thông tư số 25.

Với việc thay đổi hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở GDPT do hiệu trưởng cơ sở GDPT hoặc giám đốc trung tâm GDNN - GDTX thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở GDPT tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Trao đổi với Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội cho rằng việc trao quyền chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục có ý nghĩa quan trọng.

“Mục tiêu có nhiều bộ sách giáo khoa nhằm giúp học sinh lựa chọn cách tiếp cận kiến thức phù hợp ở từng loại sách khác nhau. Ở đây, chúng ta phải tôn trọng người học nên việc quy định chọn sách giao cho nhà trường là hoàn toàn đúng vì các cơ sở giáo dục mới là người học, người dạy”, ông Hoàng Văn Cường bày tỏ.

Đại biểu cũng cho rằng không nên nói sách nào hay hơn sách nào mà phụ thuộc vào nhu cầu mỗi học sinh. Ông Hoàng Văn Cường cho biết: “Đến giai đoạn cao hơn nữa, người học có năng lực tốt hơn có thể chọn sách trong phạm vi mỗi lớp học, theo từng học sinh và người thầy không dạy theo một cuốn sách nào. Thay vào đó sẽ dạy theo chương trình, nội dung kiến thức, sách giáo khoa chỉ là những ví dụ minh hoạ để truyền tải kiến thức”.

Chia sẻ thêm, ông Cường cũng cho rằng chúng ta đang hướng đến việc không học theo khuôn mẫu, các em thuộc lòng các bài trong sách và đi thi những nội dung đó để trả cho cho thầy là không có ý nghĩa.

“Điều quan trọng thông qua những tài liệu, người học tiếp thu những vấn đề như thế nào và chuyển nó thành tri thức của bản thân và vận dụng trong thực tiễn. Đề thi không theo bài học của một cuốn sách nào cả, việc biến các tri thức giảng dạy trở thành kiến thức, năng lực học sinh mới có ý nghĩa”, ông Hoàng Văn Cường nhận định.

Theo Dự thảo mới Bộ GD&ĐT đưa ra hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở GDPT do hiệu trưởng cơ sở GDPT hoặc giám đốc trung tâm GDNN - GDTX thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở GDPT tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi cơ sở GDPT thành lập 1 hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.

Thành viên hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ chuyên môn; đại diện giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở GDPT. Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở GDPT; phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng.

Hơn 5% số bệnh nhân đau mắt đỏ ở Hải Dương bị biến chứng

Ảnh minh họa.

Thông tin trên báo Hải Dương, một tuần nay, mỗi ngày Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương có 10-13 bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám và điều trị, giảm nhiều lần so với thời điểm cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Lãnh đạo bệnh viện nhận định dịch đau mắt đỏ trong tỉnh đã bước qua giai đoạn lây lan đỉnh điểm.

Từ ngày 1/9-26/10, bệnh viện có gần 1.700 bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó hơn 5% gặp biến chứng mà chủ yếu là bị viêm giác mạc chấm. Đây là tình trạng phần biểu mô của giác mạc bị tổn thương, xuất hiện một số chấm nhỏ li ti, nhất là ở khu vực đồng tử. Nếu không điều trị kịp thời, biến chứng này có thể sẽ để lại sẹo, ảnh hưởng đến thị lực.

Dịch đau mắt đỏ tại Hải Dương bùng phát và lây lan trên diện rộng từ trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 10. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 18/9-18/10, toàn tỉnh ghi nhận 182 chùm ca bệnh, 11.230 bệnh nhân ở Tp.Hải Dương và một số huyện. Số người mắc bệnh thực tế có thể còn cao hơn do nhiều huyện, thị xã, thành phố không thống kê.

Trúc Chi (t/h)