Xã hội

Bản tin 25/10: Bộ GD&ĐT hướng dẫn gỡ khó trong dạy các môn tích hợp

Bộ GD&ĐT hướng dẫn gỡ khó trong dạy các môn tích hợp; Vừa xuống bến xe đã ngất xỉu, một phụ nữ nguy kịch vì bệnh hiểm...

Bộ GD&ĐT hướng dẫn gỡ khó trong dạy các môn tích hợp

Ảnh minh họa.

Báo Vietnamnet dẫn nguồn Bộ GD&ĐT, qua thực tế triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho thấy, việc phân công giáo viên và xếp thời khóa biểu để tổ chức dạy học theo chương trình một số môn học, hoạt động giáo dục còn khó khăn, vướng mắc.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, Bộ GD&ĐT vừa có hướng dẫn địa phương lưu ý các nhà trường trong việc phân công giáo viên, xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Môn Khoa học tự nhiên

Cụ thể, đối với môn Khoa học tự nhiên, các trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học được phân công (theo các mạch nội dung Chất và sự biến đổi của chất, Năng lượng và sự biến đổi, Vật sống, Trái Đất và bầu trời).

Việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy học từ 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.

Trong trường hợp gặp khó khăn về xếp thời khóa biểu, cần xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt về thời gian, thời điểm thực hiện các mạch nội dung hoặc các chủ đề của chương trình phù hợp với việc phân công giáo viên, đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, tính sư phạm (đảm bảo nội dung dạy học trước là cơ sở cho nội dung dạy học sau) và khả năng thực hiện của giáo viên.

Bộ GD&ĐT hướng dẫn, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học. Giáo viên dạy học nội dung nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá đối với nội dung đó. Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp với các giáo viên cùng dạy học môn học ở lớp đó để thống nhất điểm đánh giá thường xuyên, bảo đảm số điểm đánh giá theo quy định, tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ.

Ma trận, nội dung bài kiểm tra định kì được xây dựng phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của chương trình đến thời điểm kiểm tra. Hướng dẫn học sinh làm bài kiểm tra sao cho thuận tiện trong việc phân công giáo viên chấm bài, tổng hợp kết quả.

Môn Lịch sử và Địa lý

Đối với môn Lịch sử và Địa lí, theo hướng dẫn mới, các trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp giữa chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học được phân công (theo phân môn Lịch sử, phân môn Địa lí và các chủ đề liên môn).

Việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.

Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo từng phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý. Các phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường.

Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Nội dung bài kiểm tra, đánh giá định kì phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học theo từng phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp các giáo viên cùng dạy học môn học ở lớp đó để tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

Bộ GD&ĐT yêu cầu phân công giáo viên đảm bảo sự phù hợp giữa năng lực và chuyên môn của giáo viên với nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được đảm nhiệm. Ưu tiên phân công giáo viên phụ trách theo từng chủ đề để thuận lợi trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, hướng dẫn và đánh giá học sinh trong quá trình trải nghiệm theo yêu cầu cần đạt của chủ đề đó.

Kế hoạch tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được xây dựng theo từng chủ đề.

Việc xây dựng thời khóa biểu bảo đảm sự linh hoạt (không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần, không bắt buộc thực hiện lần lượt các chủ đề theo trình tự trong sách giáo khoa) sao cho mỗi chủ đề được tổ chức thực hiện trong một khoảng thời gian phù hợp với kế hoạch của giáo viên trong thời gian đó.

Về tổ chức thực hiện, quá trình trải nghiệm có thể là hoạt động của cá nhân, nhóm nhỏ hoặc nhóm lớn, ở trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường, tùy theo nội dung và tính chất của hoạt động.

Thông tin trên báo Tiền Phong, đầu năm học 2023-2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, thực tế việc triển khai việc dạy học tích hợp đang gặp khó khăn. Có những nhà giáo dạy được cả hợp phần nhưng nhiều người đang dạy các phần riêng. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa dù đã được tập huấn nhưng dạy học tích hợp đang là thách thức.

Ông Sơn thông tin, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét điều chỉnh dạy học tích hợp ở bậc THCS. Tuy nhiên việc điều chỉnh thế nào nhằm thuận lợi hơn cho dạy học, không gây ra xáo trộn đội ngũ cũng như không ảnh hưởng đến đầu ra của chương trình.

Đi bộ qua đường, cụ ông 77 tuổi bị xe máy tông tử vong

Hiện trường vụ tai nạn.

Theo báo Người Lao Động, chiều 24/10, Công an huyện Hóc Môn, Tp.HCM cùng lực lượng liên quan tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ tai nạn nghiêm trọng trên đường Đặng Thúc Vịnh, xã Đông Thạnh.

Thông tin ban đầu, sáng cùng ngày, ông C. (77 tuổi) đi bộ trên đường Đặng Thúc Vịnh. Trong lúc qua đường ông C. bị một xe máy do nam giới điều khiển tông chết tại chỗ. Người lái xe cũng bị thương.

Công an huyện Hóc Môn và các lực lượng đến hiện trường, trích xuất camera làm rõ nguyên nhân.

Bước đầu cho thấy, ông C. trong lúc đi bộ qua đường đến gần dải phân cách thì bị xe máy tông trúng. Tại đây không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ.

Trước đó, trên tuyến đường này cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Vừa xuống bến xe đã ngất xỉu, một phụ nữ nguy kịch vì bệnh hiểm

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân.

Theo báo Giao Thông, đi xe khách từ Quảng Nam ra Hà Nội, chị Lò Thị N (31 tuổi) ngất xỉu khi đến bến xe Nước Ngầm. Người phụ nữ lập tức được đưa vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương cấp cứu.

Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ xác định đây là trường hợp cấp cứu sản phụ khoa, thai ngoài tử cung vỡ gây chảy máu trong ổ bụng, lượng máu rất nhiều.

PGS.TS Trần Ngọc Lương tiên lượng đây là ca rất nặng, nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Chính vì vậy ca mổ nhanh chóng được thực hiện để chạy đua với thời gian cứu bệnh nhân. Từ lúc người bệnh được đưa đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương đến khi ca phẫu thuật hoàn thành chỉ vỏn vẹn khoảng một giờ đồng hồ.

Sau ca mổ, chị Lò Thị N cho biết, do bản thân chị có kinh nguyệt không đều nên không rõ mình thụ thai từ bao giờ. Khi đang di chuyển bằng xe khách, chị xuất hiện triệu chứng đau bụng, hoa mắt chóng mặt, đến bến xe Nước Ngầm thì ngất xỉu.

Theo các bác sĩ sản khoa, thai ngoài tử cung là tình trạng bất thường vị trí làm tổ của thai. Túi thai sẽ không nằm trong buồng tử cung mà làm tổ ở những vị trí khác như vòi tử cung, buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng.

Thai ngoài tử cung vỡ là một cấp cứu trong sản phụ khoa, đe dọa nghiêm trọng tính mạng phụ nữ nếu xử trí chậm. Yếu tố gây thai ngoài tử cung gồm: người có tiền sử bị thai ngoài tử cung, nạo phá thai, viêm nhiễm phụ khoa, viêm vòi trứng, dị dạng cơ quan sinh dục, từng phẫu thuật vùng chậu.

Thai ngoài tử cung có thể phát hiện sớm nhờ các triệu chứng: trễ kinh, đau bụng dưới, ra huyết âm đạo bất thường… Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể không xuất hiện và chỉ phát hiện tình cờ khi đi khám thai, hoặc xuất hiện riêng lẻ không đồng thời với nhau, đặc biệt khi người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Nhiều người chỉ đến khi khối thai bị vỡ gây đau và mất máu mới tìm đến khoa cấp cứu các bệnh viện.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần cảnh giác thai ngoài tử cung. Nếu có hiện tượng trễ kinh hoặc ra máu âm đạo bất thường, đau bụng dưới, ra huyết âm đạo rỉ rả kéo dài, nhất là đau tăng dần, mệt nhiều, vã mồ hôi, ngất xỉu… cần phải được vào khám ngay tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Trúc Chi (t/h)