Xã hội

Bản tin 24/1: Tập thể dục ngoài trời rét căm căm, thói quen nguy hiểm cần bỏ ngay

Tập thể dục ngoài trời rét căm căm, thói quen nguy hiểm cần bỏ ngay; Chẳng may nuốt phải ngòi bút máy, một bệnh nhi phải nhập viện khẩn cấp...

Tập thể dục ngoài trời rét căm căm, thói quen nguy hiểm cần bỏ ngay

Nhân viên y tế chăm sóc người bệnh bị ảnh hưởng bởi rét đậm tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

Trao đổi với VTC News, Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh cảnh báo, người cao tuổi dậy sớm đi tập thể dục giữa trời rét dễ dẫn đến huyết áp tăng cao, đột quỵ.

Không khí lạnh tăng cường khiến thời tiết Bắc Bộ rét đậm, rét hại, nhiệt độ giảm sâu ảnh hưởng tới việc đi lại, sức khỏe nhiều người. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên lưu ý các hoạt động khi thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt là việc tập thể dục buổi sáng, để phòng đột quỵ.

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho biết, đột quỵ trong lúc chơi thể thao, tập luyện thể dục thường gặp ở người có sẵn yếu tố nguy cơ, dẫn đến nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Người có nguy cơ đột quỵ cũng không kiểm soát được mức độ tập luyện, dẫn đến quá sức.

Theo bác sĩ Mạnh, việc mất cân bằng giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời có thể khiến cơ thể không thể thích nghi kịp. Tình trạng này gây ra cơ chế co thắt mạch máu khi gặp nhiệt độ lạnh, dễ hình thành cục máu đông dẫn đến nhồi máu não.

Tăng huyết áp đột ngột có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ trong não, gây xuất huyết não. Ngoài ra, tắc mạch vành (mạch máu nuôi tim) còn dẫn đến nhồi máu cơ tim, nguy hiểm đến tính mạng.

Một bệnh lý hiếm gặp hơn nhưng cũng rất nguy hiểm là huyết khối tĩnh mạch sâu, hình thành do ít uống nước khi trời rét.

Ít uống nước khiến máu cô đặc lại, cộng thêm ít vận động trên nền bệnh nhân có suy van tĩnh mạch trước đó, làm máu lưu thông kém, dễ hình thành các cục máu đông trong tĩnh mạch chi dưới. Khi các cục máu đông này lan về tim có thể gây nhồi máu động mạch phổi.

Để giảm nguy cơ đột quỵ, bác sĩ Mạnh khuyến cáo, người có bệnh lý nền cần uống thuốc đầy đủ. Đột quỵ thường xảy ra trên bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, huyết áp cao, mỡ máu cao, bệnh lý nhịp tim, người hút thuốc lá, người thừa cân béo phì. Thời tiết giá rét, nhóm người này rất dễ gặp bất ổn về sức khỏe, hay việc quên dùng thuốc cũng làm cho các yếu tố nguy cơ khó kiểm soát.

Người bệnh không được bỏ thuốc, uống đều đặn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Đo huyết áp thường xuyên, duy trì thói quen tập thể dục, chế độ ăn uống phù hợp.

"Mọi người không nên tập thể dục ngoài trời trước 6h30 để tránh bị nhiễm lạnh, khi thức dậy không nên thay đổi tư thế đột ngột, thay vào đó hãy làm các động tác vận động nhẹ nhàng, xoa bóp các cơ, khớp. Sau đó mới từ từ ngồi giậy 10-15 phút mới đứng lên đi vệ sinh cá nhân, mặc thật ấm, tuyệt đối không tắm ngay sau khi thức dậy", bác sĩ khuyến cáo.

100% giảng viên đại học được nâng cao năng lực ngoại ngữ

Ảnh minh họa

Ngành Giáo dục và Đào tạo phấn đấu đến năm 2030 có 100% số giảng viên đại học được bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ.

Toàn ngành đặt mục tiêu đến năm 2030 nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giảng viên; đồng thời chú trọng phát triển năng lực của giảng viên về phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm 2023, tỉ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ đạt gần 32,5%, tăng hơn 17% so với năm 2022. Tỉ lệ giảng viên có học hàm giáo sư là 0,77%, tỉ lệ giảng viên có học hàm phó giáo sư là 6%.

Báo cáo về việc thực hiện Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” và Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến hết năm 2023, 2 đề án đã góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việc triển khai các đề án cũng được ngành Giáo dục và Đào tạo, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học xác định là giải pháp trọng tâm nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chẳng may nuốt phải ngòi bút máy, một bệnh nhi phải nhập viện khẩn cấp

Dị vật được gắp ra là đầu bút máy. Ảnh BVCC.

Ngày 23/1, thông tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi hóc dị vật là ngòi bút máy dài 2cm.

Bệnh nhi nhập viện là B.Đ.X. 8 tuổi ở Hiệp Hòa – Quảng Yên. Theo gia đình bệnh nhi cho biết trước khi nhập viện, trong lúc vui chơi tại nhà không may trẻ đã nuốt phải đầu ngòi bút máy.

Trẻ nhập viện trong tình trạng đau rát họng, không nôn, không sốt. Rất nhanh chóng trẻ được xác định hóc dị vật và được tiến hành gây mê để nội soi tiến hành gắp dị vật.

Theo các bác sĩ cho biết, dị vật sắc nhọn đoạn thực quản gây thủng thực quản hoặc chảy máu (trong trường hợp dị vật cắm vào mạch máu) nguy hiểm đến tính mạng. Nếu dị vật đi xuống dạ dày nguy cơ thủng dạ dày, thủng ruột...

Các bác sĩ đã gắp dị vật ra ngoài an toàn, không gây tổn thương niêm mạc thực quản của bệnh nhi. Dị vật được gắp ra ngoài là một ngòi bút máy sắc nhọn kích thước gần 2cm.

Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh lưu ý kiểm soát các vật dụng bé chơi. Cần lưu ý luôn quan sát, hạn chế để trẻ chơi một mình và tiếp xúc với các đồ vật dễ nuốt. Nên cho trẻ chơi các đồ chơi phù hợp với lứa tuổi và cần dọn dẹp nhà cửa gọn gàng để tránh trẻ nhặt được các dị vật nhỏ cho vào miệng, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Trúc Chi (t/h)